Vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn hàng tháng
Tuy ở vùng nông thôn, nhưng trường có lợi thế nằm ven Quốc lộ 91, đời sống hộ dân ổn định, nhiều gia đình là cán bộ, viên chức, công chức… Học sinh đến trường thuận lợi, việc học được phụ huynh quan tâm.
Với 36 lớp, 1.382 học sinh và 68 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, nhiệm vụ chuyên môn và xã hội được Ban Giám hiệu chia đều cho các khối, tổ bộ môn một cách nhịp nhàng. Thầy Nguyễn Thanh Tiền (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, tùy theo điều kiện, mỗi trường có cách làm riêng, lựa chọn hoạt động phù hợp, có lợi cho học sinh để triển khai. Mục đích chính của công tác xã hội học đường nhằm tác động tích cực đến học sinh, hạn chế ảnh hưởng thói hư tật xấu.
Trong trường hiện có một ít học sinh thuộc hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa, sống với ông bà, người thân… nên gia đình chưa quan tâm đến việc học, sự phát triển tâm sinh lý của con em mình. Bên cạnh đó, một số em chịu tác động tiêu cực từ gia đình (tình cảm cha mẹ rạn nứt), có xu hướng trầm cảm, muốn nghỉ học.
Vận dụng những kiến thức về tâm lý, giáo viên tiếp cận để trao đổi, động viên, định hướng giúp đỡ, “lôi kéo” các em tham gia hoạt động chung của trường, tiết sinh hoạt ngoại khóa đa dạng, phong phú. Từ đó, học sinh hòa đồng với các bạn đồng lứa, vừa học tập thêm kiến thức, kỹ năng xã hội, vừa mở rộng tầm nhìn đối với vấn đề bản thân đang gặp.
Nhiều năm qua, dựa trên kinh nghiệm được giáo viên chia sẻ, Trường THCS Bình Mỹ xây dựng chuỗi hoạt động xã hội học đường thu hút học sinh hưởng ứng đông đảo. Công tác này bao quát nhiều nội dung, từ tư vấn tâm lý, tuyên truyền giáo dục theo chuyên đề (bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng, chống dịch bệnh, bình đẳng giới, an toàn giao thông) cho đến chăm sóc sức khỏe cho học sinh, phòng chống tai nạn thương tích… Các hình thức được nghiên cứu để học sinh là chủ thể, tăng thêm sự yêu thích khi đích thân nghiên cứu, sưu tầm nội dung, biểu diễn sân khấu hóa.
Đơn cử tiết sinh hoạt dưới cờ, trường chuyển từ việc tổng kết, nhận xét hàng tuần sang sinh hoạt trải nghiệm theo chủ điểm, chủ đề. Đa số nội dung truyền tải bằng tiểu phẩm do học sinh và giáo viên dàn dựng, luân phiên từng tổ bộ môn. Đặc biệt, tăng cường sinh hoạt chuyên đề, như: Tháng an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ; Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; Tháng hành động vì trẻ em...
Những nội dung liên quan công tác trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường tiếp tục được lồng ghép vào môn học có liên quan trên lớp, duy trì phổ biến trong chương trình phát thanh học đường hàng ngày. Kết hợp với hoạt động cung cấp kiến thức, nhà trường tăng cường sân chơi thể thao bằng hình thức xã hội hóa, giúp các em thêm sân chơi lành mạnh.
Thầy Nguyễn Thanh Tiền cho biết thêm, đầu năm học và hàng tháng, nhà trường rà soát, nắm bắt thông tin những em đang có ba mẹ ly hôn, phải sống với ông bà, người thân, có nguy cơ bỏ học, hoàn cảnh khó khăn. Công tác xã hội hóa được thực hiện tốt, hỗ trợ học sinh tiếp tục học tập, không bỏ học giữa chừng. Riêng học sinh thường xuyên vi phạm nội quy, trường lập hồ sơ theo dõi, thông tin kịp thời đến gia đình, phối hợp giáo dục. Đến nay, đa số học sinh đều có ý thức đạo đức, thực hiện nghiêm quy định trường lớp, chủ động học tập, rèn luyện.
Hiện nay, tỷ lệ học sinh bị bạo lực, xâm hại tình dục, bỏ học, trốn học… ngày càng nhiều. Các vấn đề này xuất phát từ khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, như: Nhận diện bản thân, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và gia đình. Để tạo ra môi trường lành mạnh, thân thiện để học sinh có thể học tập một cách tốt nhất, đòi hỏi biện pháp hữu hiệu, kịp thời.
Theo thầy Nguyễn Thanh Tiền, công tác xã hội học đường là nhiệm vụ cần thiết, nhưng chưa có hình mẫu chung để thực hiện trong các trường học. Riêng vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực học đường, giáo viên chưa được đào tạo bài bản. Ngành giáo dục cần có những lớp tập huấn, hướng dẫn từ chuyên gia, để nhà trường hỗ trợ các em về chiều sâu, thậm chí hỗ trợ ngay từ đầu khi xuất hiện “mầm mống”, can thiệp kịp thời.
MỸ HẠNH