Hiệu quả từ mô hình nuôi bò thịt

21/04/2021 - 03:40

 - Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà cũng như thời gian rảnh rỗi, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) đã mạnh dạn phát triển thêm mô hình chăn nuôi bò thịt. Đây là mô hình không mới, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với đặc thù là xã nông nghiệp, kinh tế người dân xã Phước Hưng chủ yếu dựa vào việc canh tác rau màu. Bên cạnh đó, nông dân còn tận dụng diện tích đất trống quanh nhà để phát triển thêm các mô hình chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi bò. Mặc dù hiệu quả kinh tế mang lại khả quan nhưng nhìn chung, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ thuật chăn nuôi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính.

Trước thực trạng trên, Hội Nông dân xã Phước Hưng đã phối hợp ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân. Qua đó, giúp nông dân từng bước làm chủ được kỹ thuật canh tác; phương pháp phòng ngừa, cũng như điều trị được một số loại bệnh cho bò nên chất lượng vật nuôi được nâng cao.

Năm 2019, nhận thấy việc chăn nuôi bò có nhiều thuận lợi, Hội Nông dân xã Phước Hưng đề nghị Hội Nông dân huyện An Phú và Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn để mở rộng và phát triển sản xuất, đồng thời thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò xã Phước Hưng với sự tham gia của 12 nông dân. Đặc biệt, các thành viên còn được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 600 triệu đồng (50 triệu đồng/hộ). Thời gian vay 2 năm, lãi suất 0,7%/tháng (8,4%/năm).

Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi giúp việc chăn nuôi của bà con đạt nhiều thuận lợi

Là một trong những hộ dân tham gia dự án, gia đình anh Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, trước đây, gia đình anh đã từng phát triển mô hình chăn nuôi bò. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Tháng 11-2019, anh Hạnh được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Hạnh đã mua 4 con bò tơ, chi phí khoảng 25 triệu đồng/con. Anh Hạnh cho biết, do mua bò con để nuôi nên mất khoảng 18 tháng mới có thể xuất chuồng. Theo ước tính, bình quân mỗi con bò sau khi bán, anh Hạnh thu về lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng.

Tương tự gia đình anh Hạnh, gia đình ông Hồ Văn Tám cũng được hỗ trợ 50 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò. Với số vốn này, gia đình ông mua 4 con bò. Để phục vụ việc chăn nuôi thuận lợi, ông Tám trồng thêm cỏ trên diện tích 2.000m2. Hiện nay, ông Tám đang bắt đầu chăn nuôi đợt 2. Đợt đầu tiên, sau 6 tháng nuôi, ông Tám bán 1 con bò, lợi nhuận 6 triệu đồng. 9 tháng tiếp theo, ông Tám bán tiếp 3 con, lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/con. Hiện nay, ông Tám đã cho tái đàn. Tuy nhiên, do giá bán bò giống tăng cao nên ông chỉ nuôi 2 con, hiện đang phát triển khá tốt, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo nhận định của nhiều nông hộ, ưu điểm nổi bật của nghề nuôi bò thịt là ít bị dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc. Hơn nữa, đầu ra của bò thịt khá ổn định, nên người nuôi hoàn toàn yên tâm để tập trung chăn nuôi.

Tuy nhiên, để nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, người nuôi bò cần phải nắm vững kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng. Đối với chuồng trại nuôi bò phải được làm ở những nơi cao ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Nguồn lương thực, thức ăn, thức uống phải đảm bảo sạch sẽ và an toàn...

Ngoài ra, người chăn nuôi bò nên thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn bò. Khi đàn bò có dấu hiệu bất thường hay bị bệnh, cần phải phòng trị kịp thời. Sau khi xuất chuồng đàn bò, nên tiến hành khử trùng và vệ sinh toàn bộ chuồng trại trước khi bắt đầu nuôi lứa mới.

Ngoài ra, việc tham gia tổ hội nghề nghiệp còn giúp các thành viên có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau trong quá trình chăm sóc, phát triển đàn bò và cách để phòng trị các loại bệnh thường gặp trên đàn bò, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường sống, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển.

Có thể thấy, việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò xã Phước Hưng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình không chỉ tạo được việc làm tại chỗ, mà còn tận dụng tốt nguồn cỏ dại ở khu vực nông thôn, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.

Thời gian tới, sau khi dự án kết thúc, Hội Nông dân xã Phước Hưng sẽ đề xuất ngành chức năng cho xoay vòng nguồn vốn để các hội viên khác có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay này, tự tin phát triển thêm các mô hình chăn nuôi mới và tạo điều kiện để giúp nông dân tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

ĐỨC TOÀN