Hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập vượt khó

16/11/2021 - 13:48

Thất nghiệp, không có thu nhập, phải chuyển nghề là những gì mà giáo viên mầm non ngoài công lập đang phải đối mặt trong suốt thời gian dài khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố. Việc duy trì, giữ chân giáo viên khi không có nguồn thu cũng là bài toán nan giải của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Nhiều giáo viên trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội bị mất việc do dịch Covid-19. Ảnh: HÀ THU

Hơn chục năm gắn bó với nghề, chưa bao giờ cô giáo Ðỗ Thị Nhàn, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca (Hoàng Mai, Hà Nội) lại nghĩ có ngày phải nghỉ việc không lương trong suốt một thời gian dài. Không như giáo viên các trường công lập, nhiều giáo viên ngoài công lập không được hưởng hỗ trợ nào từ phía nhà trường. Nghỉ dạy đồng nghĩa với không có lương, cô Nhàn đã tìm cho mình một công việc bán hàng online. Mặc dù công việc không đem lại được nguồn thu nhập ổn định nhưng vẫn giúp cô cầm cự với hy vọng sẽ sớm được trở lại với công việc giảng dạy. Cùng hoàn cảnh, cô giáo mầm non Vũ Thị Quyên (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) có hơn 5 năm gắn bó với nghề nhưng suốt sáu tháng qua phải chật vật, làm đủ nghề để mưu sinh. Cô giáo Quyên chia sẻ: Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại đang phải nuôi con nhỏ ở độ tuổi học tiểu học nên đã quyết định bỏ nghề để chuyển sang làm công ty may ở gần nhà. Nếu làm tăng ca, một tháng sẽ nhận được từ 7 - 8 triệu đồng kèm theo nhiều chính sách đãi ngộ của công ty. Cô Quyên thừa nhận nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sẽ chuyển hẳn sang công việc công nhân để ổn định cuộc sống.

Không chỉ giáo viên khó khăn mà các trường, nhóm lớp cũng lao đao khi cơ sở phải dừng hoạt động suốt một thời gian dài. Quản lý Trường mầm non Năm ngón tay ngoan (Nam Từ Liêm, Hà Nội) Lê Thị Quyên cho biết: Dù không hoạt động trong suốt sáu tháng qua nhưng hằng tháng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng và các chi phí phát sinh khác cho hai cơ sở. Có nơi chủ nhà không miễn giảm tiền thuê địa điểm khiến trường gặp rất nhiều áp lực. Những tháng nghỉ dịch đầu tiên, chị Quyên đã phải trích tiền tiết kiệm của mình ra để hỗ trợ số tiền 1,5 triệu đồng/giáo viên, nhưng qua các tháng tiếp theo, tiền tiết kiệm đã không còn nhiều, mức hỗ trợ cũng bị giảm do nhà trường không còn khả năng chi trả. Nếu học sinh nghỉ học kéo dài qua hết năm chắc trường sẽ đối mặt với nguy cơ giải thể. Còn chủ cơ sở mầm non Kids House (Khoái Châu, Hưng Yên) Nguyễn Thị Vui chia sẻ: Vì cuộc sống quá khó khăn, các giáo viên đã xin nghỉ việc hoặc chuyển nghề đi làm ở các công ty. Khi học sinh đến trường trở lại, điều mà chị Vui lo lắng nhất là không biết giáo viên có quay trở lại làm việc hay không. Giờ chỉ mong nhận được chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội) Hoàng Thanh Hương cho biết: Các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động. Nhiều trường đã làm mọi cách để giữ chân giáo viên như: tặng gạo, hỗ trợ một số tiền nhỏ hằng tháng theo khả năng của trường; Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, Phòng Giáo dục và Ðào tạo cũng có chính sách thăm hỏi, hỗ trợ giáo viên đặc biệt khó khăn, tuy nhiên số lượng nêu trên chưa được nhiều. Vì vậy, mong rằng dịch bệnh sớm ổn định để trẻ được tới trường, giáo viên cũng chia sẻ, đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Có thể thấy rằng, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của dịch Covid-19. Không giống các cấp học khác, đặc thù cấp học mầm non không thể tổ chức học trực tuyến, vì vậy giáo viên mầm non ngoài công lập hầu như không có bất cứ khoản thu nhập nào trong thời gian nghỉ dịch. Cả nước hiện có 155.080 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho hơn 1.241.000 trẻ em mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Thời gian qua, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy, điều này sẽ gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khi trẻ quay trở lại trường học.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên hợp đồng để ổn định cuộc sống và động viên tinh thần giáo viên quay trở lại trường tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và gắn bó lâu dài với giáo dục mầm non, cụ thể: Hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục mầm non. Xem xét miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay. Xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Theo QUỲNH NGUYỄN (Nhân Dân)