Hỗ trợ thanh niên tiếp cận với mô hình sản xuất hiệu quả

14/10/2021 - 04:08

 - Bằng việc ghi nhận những nhu cầu phát triển kinh tế, Huyện đoàn Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã cho ra mắt nhiều Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp thanh niên nông thôn theo nghề nghiệp, sở thích ở các địa phương trong huyện. Đây là cơ hội giúp các đoàn viên, thanh niên có chung sở thích, đam mê giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hướng đến việc cùng nhau liên kết trong các lĩnh vực… để phát triển kinh tế hiệu quả.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Chợ Mới Lâm Hồ Diệu Hiền, ở mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, có thể là trồng trọt, chăn nuôi hoặc tiểu thủ công nghiệp… Chính vì vậy, thời gian qua, Huyện đoàn Chợ Mới đã triển khai thực hiện mô hình tập hợp thanh niên ở các địa phương theo nghề nghiệp, sở thích. Hầu như, mỗi năm đều ra mắt CLB ở một xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Điển hình như ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, có thế mạnh là cây xoài 3 màu, kinh tế của các thanh niên ở đây đều gắn liền với cây xoài. Bởi vậy, CLB thanh niên tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài 3 màu cũng được Huyện đoàn Chợ Mới tổ chức ra mắt.

Đến với các CLB này, không chỉ tập hợp riêng các thanh niên canh tác, tiêu thụ xoài mà có thể là các ngành, nghề khác cùng tham gia. Mỗi bạn trẻ có một thế mạnh, khả năng riêng, sau khi tập hợp lại với nhau sẽ cùng chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát triển. Đầu tiên có thể giúp cho cá nhân phát triển kinh tế, từ đó giúp cho kinh tế ở địa phương ngày càng khởi sắc.

Mới đây, Huyện đoàn Chợ Mới đã ra mắt CLB khởi nghiệp thanh niên nông thôn theo nghề nghiệp, sở thích, với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Hội An. CLB thu hút 7 thanh niên cùng tham gia, trong đó có một bạn đang thực hiện mô hình trồng dưa lưới Nhật cho hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là điều kiện rất tốt cho các thành viên trong CLB đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Thanh niên tham gia các mô hình sản xuất hiệu quả ở địa phương

Từ 2 năm trước, chị Nguyễn Thị Thu Trang (xã Hội An) lựa chọn khởi nghiệp cùng cây dưa lưới Nhật. Trước khi bắt đầu, chị Trang đã có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thường xuyên lên YouTube xem những video về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tham gia vào các hội, nhóm trồng dưa lưới để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, chị Trang còn tìm đến các nông dân đã trồng dưa lưới ở địa phương để được nghe và học tập kinh nghiệm từ những người đi trước.

Chuẩn bị tất cả, từ kiến thức, tiền vốn, chị Trang đã mạnh dạn đầu tư 3 nhà màng với diện tích mỗi nhà 1.000m2, lựa chọn giống dưa lưới Nhật để canh tác. Theo chị Trang, nếu đảm bảo được đầu ra với giá cả ổn định thì mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì sau 2 tháng trồng, nhà vườn đã thu hoạch được, sau thời gian đó thì chỉ cần dọn dẹp, vệ sinh nhà màng, chuẩn bị giá thể trong khoảng nửa tháng đã có thể xuống giống vụ tiếp theo. Mỗi năm canh tác 4 vụ, năng suất trung bình mỗi nhà màng 1.000m2 đạt trên 3 tấn trái.

Cũng là một thanh niên khởi nghiệp nên chị Trang hiểu được những khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp của các bạn thanh niên. Bởi vậy, cùng với việc ra mắt CLB khởi nghiệp thanh niên nông thôn theo nghề nghiệp, sở thích ở địa phương sẽ là cơ hội để chị Trang có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân đến các bạn thanh niên muốn khởi nghiệp cùng dưa lưới.

Theo chị Trang, cái khó của dưa lưới là vốn đầu tư ban đầu lớn. “Với 1.000m2 nhà màng trồng dưa lưới, phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền giống, giá thể để trồng… Tuy nhiên, lợi nhuận mỗi vụ đem lại rất ổn định, hoàn toàn có tiềm năng đầu tư” - chị Trang giải thích.

Theo những người trẻ có kinh nghiệm, khi muốn khởi nghiệp phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, nguồn vốn có được từ đâu, lên kế hoạch sản xuất theo từng mùa vụ, giá cả như thế nào thì có lợi nhuận, bao nhiêu năm có thể thu hồi vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Tất cả là một bài toán mà những thanh niên khởi nghiệp phải đặt ra và học hỏi, trải nghiệm để có lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất cho riêng mình. Hiện tại, chị Nguyễn Thị Thu Trang đã thành lập công ty và xây dựng thương hiệu sản phẩm dưa lưới cho riêng mình, tham gia OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), cho đến liên kết các nhà vườn để cùng tham gia chuỗi sản xuất.

“Thị trường hiện nay tương đối khó, vì có nhiều giống dưa lưới khác nhau, giá cả cũng chênh lệch, người tiêu dùng có nhiều loại chọn và yêu cầu cao. Bởi vậy, ngoài việc canh tác tạo ra nông sản sạch, chất lượng thì phải đảm bảo được mức giá cạnh tranh nhất. Chỉ có như vậy mới mở rộng được diện tích sản xuất, tập hợp được các thanh niên có chung sở thích cùng nhau phát triển kinh tế” - chị Trang chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN