Hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật cần giúp đỡ

17/10/2024 - 08:08

 - Cùng ngụ ấp Tấn Hòa (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), ông Lê Văn Yêm (72 tuổi) và bà Trương Thị Phan (75 tuổi) có chung cảnh nghèo khó, tuổi già sống neo đơn, không có con cháu nuôi dưỡng khi ốm đau, bệnh tật. Ngoài sự hỗ trợ của địa phương, rất mong sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng.

Ông Lê Văn Yêm

Suốt 4 năm qua, vợ chồng ông Lê Văn Yêm gắn bó với dòng sông Tiền. Mỗi ngày, tờ mờ sáng vợ chồng ông đã bơi xuồng men theo con nước ven bờ, bụi cây, thảm lục bình... để nhặt ve chai cho đến trưa. Đi nhặt ve chai là bất kể thời tiết, khổ nhất là vào những tháng mưa bão, sẽ không nhặt được bao nhiêu. Bữa nào nhặt được nhiều thì bán được 80.000 đồng, còn ít thì chừng 20.000 - 30.000 đồng. Chưa kể, những ngày đau bệnh xem như không có thu nhập...

Ông Yêm kể: “Trước đây, tôi làm nghề thợ mộc, công việc ngày một ít, cộng thêm tuổi cao nên không đủ sức khỏe để theo nghề. Từ đó, tôi chuyển sang nhặt ve chai để mưu sinh. Gần đây, tôi ăn ngủ khó, trong người luôn thấy nóng ran, kèm theo triệu chứng đau đầu, một bên cơ thể gần như mất cảm giác, đi khám mới biết mình bị tai biến. Do không có tiền điều trị, nên tôi chỉ xin thuốc nam về uống qua ngày. Vợ chồng tôi vốn không có con, nên khi tôi đột ngột ngã bệnh, bà nhà tôi phải ở nhà để chăm sóc. Hiện, trong nhà không còn ai đi làm kiếm tiền trang trải, cuộc sống thêm khó khăn. Tôi cũng chẳng dám vay mượn tiền của ai, vì sợ mình không có khả năng trả lại, chủ yếu sống nhờ vào gạo, nhu yếu phẩm của bà con hàng xóm và địa phương hỗ trợ”.  “Hoàn cảnh của chú Yêm đã lớn tuổi, nhưng vẫn vất vả lao động để mưu sinh. Hàng ngày, chú phải “đội nắng, đội mưa” men theo dòng sông để tìm kiếm ve chai bán kiếm tiền, thu nhập rất bấp bênh. Thời gian qua, địa phương đã vận động gạo, thực phẩm để hỗ trợ. Đồng thời, tạo điều kiện để chú được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định” - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tấn Mỹ Nguyễn Thị Bích Thùy chia sẻ...

Bà Trương Thị Phan

Hoàn cảnh của bà Trương Thị Phan cũng lắm gian truân. Bà bị bệnh tai biến mạch máu não, tiểu đường, tăng huyết áp, đã nhiều năm và đôi mắt bị cườm đá không thấy rõ mọi vật xung quanh, khiến bà gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bệnh ngày một nhiều, làm cho mắt mờ, tay chân teo tóp, không thể đi lại và tự chăm sóc cho bản thân. Bà đang sống nương tựa cùng người em gái, cả 2 đều không lập gia đình, nên không có con cháu chăm lo, phụng dưỡng ở tuổi xế chiều. Bà Trương Thị Liệt (74 tuổi, em gái bà Phan) cho biết: “Thời trẻ, chị em tôi cùng nhau đi làm cỏ, làm rẫy thuê để kiếm sống. Bây giờ, cả 2 đều lớn tuổi, sức khỏe hao mòn theo năm tháng, người bệnh ít phải chăm sóc người bệnh nhiều, cuộc sống hàng ngày phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm và hỗ trợ của địa phương. Thời gian trước, chị Phan còn đi đứng được, mỗi khi chị bệnh thì tôi kêu xe ôm chở đi. Hiện, chị không còn đi lại được nữa, mỗi lần chị phát bệnh, tôi phải liên hệ xe chuyển bệnh từ thiện, rồi đẩy chị ra lộ lớn, mới di chuyển qua xe. Nhiều năm qua, cuộc sống của 2 chị em quanh quẩn với sự túng thiếu, đau ốm tự lo. Điều tôi lo lắng nhất là mình cũng đang mang nhiều bệnh tuổi già, sức khỏe không còn đảm bảo để chăm sóc cho chị và bản thân trong thời gian tới”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tấn Mỹ Nguyễn Thị Bích Thùy cho biết: “Hoàn cảnh của bà Trương Thị Phan và bà Trương Thị Liệt rất đáng thương. Cuộc sống của họ chỉ dựa vào những phần gạo, quà từ các nhà hảo tâm, địa phương hỗ trợ. Rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa giúp đỡ để các hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật có điều kiện trị bệnh”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B, Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825, tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang.

NGUYỄN XÊ