An Giang đóng góp Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Hành vi rửa tiền nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng gắn liền với hoạt động ngân hàng. Trên địa bàn tỉnh có 63 đơn vị đầu mối tổ chức tín dụng; 1 văn phòng đại diện của công ty tài chính và các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Trần Minh Chánh, đơn vị luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống rửa tiền của các tổ chức tín dụng. Trong đó, thực hiện tốt quy chế phối hợp với Công an tỉnh về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn; tăng cường trao đổi thông tin và tình hình liên quan đến tội phạm trong hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin tài khoản, giám sát giao dịch qua tài khoản ngân hàng của khách hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Từ năm 2016-2021, đơn vị tiến hành hơn 80 cuộc thanh tra (trong đó có nội dung về phòng, chống rửa tiền) đối với các tổ chức tín dụng. Vi phạm chủ yếu là một số quỹ tín dụng chưa ban hành quy định nội bộ, hoặc chưa triển khai hoạt động phòng, chống rửa tiền theo quy định; chưa phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các vụ án rửa tiền vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1970, ngụ phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) về tội danh này. Trước đó ít ngày (25/12/2021), Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú) bị truy tố về tội danh “Rửa tiền”, khi thành lập nhiều công ty, hộ kinh doanh và lập hàng chục tài khoản ngân hàng cho người thân, người làm công đứng tên, hợp thức hóa việc buôn lậu hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam. Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án này, cơ quan chức năng đủ chứng cứ để khởi tố Sang, khi xác định bị can tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp hơn 1,3 tỷ đồng có được từ hoạt động buôn lậu của Mười Tường.
Đến tháng 6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục khởi tố vụ án “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Phú Cường và Công ty TNHH MTV Sông Thoại trên địa bàn TP. Long Xuyên, từ năm 2016-2020. Ngô Phú Cường (sinh năm 1974, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) bị truy tố về tội danh này. Cơ quan điều tra xác định Cường dùng 2,4 tỷ đồng (trong hơn 19 tỷ đồng trốn thuế) để mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Từ các vụ án này và thực tế xét xử tội phạm hình sự, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang La Hồng cho rằng: “Xu thế phát triển buộc Việt Nam cần quy định sát thực tế hơn, đảm bảo tính thống nhất về khái niệm tài sản giữa các bộ luật có liên quan. Tài sản không chỉ là hiện vật, tiền, giấy tờ quý giá, động sản, bất động sản, mà còn tiến tới bao hàm trong khái niệm “vật chất và phi vật chất”. Phi vật chất có thể hiểu như hối lộ bằng mời đi nước ngoài, thay vì đưa tiền. Mặt khác, Điều 323 Bộ luật Hình sự quy định tội “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trước đây, “tài sản do người khác phạm tội mà có” chỉ nhắc đến “do chiếm đoạt mà có”, không đầy đủ ý nghĩa. Nhưng thực tế, tài sản này có thể có được từ hành vi chiếm đoạt, đầu cơ buôn lậu, tham nhũng… Những vướng mắc này trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã tháo gỡ”.
Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trải qua 10 năm thi hành luật, công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đạt được những thành tựu nhất định, đồng thời bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Phòng, chống rửa tiền phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đến nay, dự thảo đang được góp ý rộng rãi, chuẩn bị đưa vào trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho ý kiến.
Theo Hội Luật gia tỉnh, Việt Nam mới thực hiện bước đầu việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn trong lực lượng vũ trang; chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập trong dân cư. Liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (quyền tài sản theo Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015), trách nhiệm bồi thường của nhà nước… tạo ra thách thức lớn trong thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền. Do đó, việc sửa đổi luật này rất cần thiết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta và chuẩn mực quốc tế.
Theo Khoản 1, Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Người phạm tội tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản; sử dụng tiền, tài sản bất minh vào các hoạt động kinh doanh; trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có... |
AN KHANG