Hoạt động tiếp công dân ở cấp xã

29/11/2022 - 07:09

 - Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Tiếp công dân năm 2013, tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân (quy định tại Điều 4) đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, bao gồm: Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục; UBND các cấp; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan của Quốc hội; HĐND các cấp; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.

Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, UBMTTQVN, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

 Theo Khoản 3, Điều 10, Ban Tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn.

Cụ thể, tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận; chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (đã được tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân); theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý, trả lời về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà Ban Tiếp công dân đã chuyển đến; tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân; báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân các cấp tại Điều 9, Nghị định 64/2014/NĐ-CP. Ban Tiếp công dân Trung ương có trưởng ban, các phó trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng ban tiếp công dân Trung ương tương đương vụ trưởng, phó trưởng ban tương đương phó vụ trưởng do Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Ban Tiếp công dân cấp tỉnh có trưởng ban, phó trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng ban do một Phó Chánh văn phòng UBND phụ trách, Phó Trưởng ban cấp tỉnh tương đương cấp Trưởng phòng, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Ban Tiếp công dân cấp huyện có trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng ban tiếp công dân cấp huyện do một Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND phụ trách; do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm. Chủ tịch UBND cấp xã bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân.

Ban Tiếp công dân các cấp có con dấu riêng để phục vụ công tác tiếp công dân. Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mẫu dấu và việc sử dụng con dấu của Ban Tiếp công dân các cấp. Như vậy, trong hoạt động tiếp công dân ở cấp xã sẽ không thành lập Ban Tiếp công dân, mà Chủ tịch UBND cấp xã sẽ bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân.

 Theo Điều 15, Luật Tiếp công dân năm 2013, việc tiếp công dân của cấp ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn được thực hiện tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã). Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp xã, thực hiện các nhiệm vụ: Ban hành nội quy tiếp công dân; bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại trụ sở; phân công người tiếp công dân; trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 1 ngày trong 1 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định.

Cụ thể: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân; tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

K.N