Tiết trời se lạnh cuối năm, nhịp độ làm việc tất bật bên những lò sắt đỏ lửa truyền thêm hơi ấm cho những bàn tay lao động chai sần. Cây tầm vông tươi vừa đốn xong sẽ được chặt sạch lá và ngọn, đem uốn ngay trên lửa nóng.
Lò được thiết kế cao, lần lượt từng cây được đưa lên và có các móc sắt nhỏ để cố định. Cây phải thẳng, không cháy thì mới bán được giá. Thao tác uốn mỗi cây tầm vông chỉ mất vài phút, nhưng công việc này khá nặng nhọc.
Tầm vông trồng từ 3-4 năm mới có thể khai thác. Lợi thế của nông dân là cây dễ chăm sóc, nhẹ chi phí, thời gian khai thác kéo dài. Mỗi năm, tầm vông được người dân lựa đốn những cây già, chừa lại các cây nhỏ thành bụi để tiếp tục phát triển.
Có những tuyến đường, rừng tầm vông vô tình điểm tô khiến không gian trở nên thơ mộng.
Nguyên liệu tầm vông được mua để dựng trại, đóng chuồng đơn giản nhốt vật nuôi… nhưng được tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL. Ở huyện miền núi này, tầm vông được trồng đến trăm ha, tập trung ở thị trấn Ba Chúc và các xã: Lương Phi, An Tức. Nhờ cây tầm vông, người dân có thu nhập ổn định, có hộ đã gắn bó hơn 20 năm.
Kể cả lao động thời vụ cũng kiếm được 200.000 – 300.000 đồng/ngày từ việc đốn, vận chuyển và uốn tầm vông.
Những ngày cuối tháng Chạp, không khí làm việc thêm hối hả. Tiền công từng ngày tích góp từ những giọt mồ hôi sẽ đổi lại mùa Tết thêm tươm tất, ấm cúng và những chi phí sinh hoạt khác. Từ tháng 2 đến tháng 6 năm sau, mùa khai thác tầm vông quay nhịp trở lại, nối tiếp vòng đời mang về ấm no cho người dân miền núi.
MỸ HẠNH