
Quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới.
Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng).
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, được các vua nhà Trần thành lập vào thế kỷ XIII, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại.
Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam.

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử thuộc Quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Ảnh: Hồ sơ đề cử di sản thế giới)
Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.
Thông qua các đền thờ, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích được bảo tồn nghiêm cẩn phân bố trên một không gian rộng lớn từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn - Kiếp Bạc, di sản phản ánh đầy đủ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm: Từ việc thành lập và thể chế hóa đến sự phục hưng và tiếp tục lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn. Các điểm di tích này, được hình thành từ nhiều thế kỷ trước đây, luôn thể hiện sự phát triển tiếp nối, đóng vai trò là trung tâm tôn giáo, văn hóa tâm linh, là điểm đến hành hương của hàng triệu du khách mỗi năm.
Tiêu chí 1: Là sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước, tôn giáo và cộng đồng nhân dân được phát triển từ vùng đất quê hương miền núi Yên Tử, đã tạo ra một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc, thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực rộng lớn hơn.
Tiêu chí 2: Phật giáo Trúc Lâm là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách thức một tôn giáo, xuất phát từ nhiều tín ngưỡng, bắt nguồn và phát triển từ quê hương Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục thúc đẩy một quốc gia mạnh mẽ, bảo đảm hòa bình và hợp tác khu vực.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới theo các tiêu chí trên, là bằng chứng cho sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên; và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
.jpg)
Đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương làm Trưởng đoàn và các chuyên gia: PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, TS. Nguyễn Viết Cường - Chánh Văn phòng Cục Di sản văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Chỉ đạo - Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc, cho biết, hồ sơ đã được tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng một cách công phu, bài bản với chất lượng cao. Sau nhiều năm nỗ lực, Di sản đã chính thức được quốc tế công nhận.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của Di sản Thế giới. Thời khắc được ghi danh là một niềm tự hào lớn không chỉ đối với chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, mà còn đối với nhân dân cả nước. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới dạng chuỗi đầu tiên, đồng thời là Di sản liên tỉnh thứ hai trong số 9 Di sản Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của Việt Nam. Việc công nhận này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị của Quần thể di tích và những tư tưởng nhân văn, hòa hiếu tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản.
Sự công nhận từ UNESCO góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Việc Quần thể di tích được ghi danh còn giúp tăng cường liên kết vùng giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, xây dựng một không gian di sản thống nhất, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển bền vững.

Chùa Côn Sơn trong Quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Ảnh: Hồ sơ đề cử di sản thế giới)
Trong nội dung phát biểu đáp từ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS.KTS. Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương.
Thứ trưởng vui mừng thông báo tới Kỳ họp việc Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các Di sản thế giới ở Việt Nam, tinh thần đó đã được thể hiện qua việc ngày 23/11/2024 vừa qua, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành (trong đó bổ sung nội luật hóa các quan điểm phát triển bền vững của UNESCO theo tinh thần Công ước Di sản Thế giới, đưa ra các quy định về đánh giá tác động di sản trong bối cảnh Di sản thế giới, xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ Di sản thế giới; gắn kết việc bảo tồn di tích với bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại các Di sản thế giới, với mục tiêu phục vụ cộng đồng tại địa phương ngày càng tốt hơn…).
Theo PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Ủy viên thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trưởng nhóm chuyên gia của Việt Nam tham gia Ủy ban Di sản thế giới cho biết, việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới là kết quả của việc bám sát, triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Vườn tháp Huệ Quang nhìn về hướng Nam (Ảnh: Hồ sơ đề cử di sản thế giới)
Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, đặc biệt là vai trò chủ trì của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong suốt quá trình nghiên cứu bắt đầu từ năm 2013 để đăng ký với UNESCO đưa vào Danh mục Dự kiến lập hồ sơ để cử với các cụm, điểm di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh) cho đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng) để bảo đảm tính toàn vẹn của di sản; cùng quyết tâm tăng cường công tác nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới; chặng đường ấy với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có việc khuyến nghị “trả lại hồ sơ” ngay trước Kỳ họp. Tuy nhiên, khẳng định, từ hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu tại khu di sản cho đến thành công ngày hôm nay.
“Thành quả này thể hiện sức mạnh tổng hợp của chúng ta, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa, thực hiện trách nhiệm, cam kết của quốc gia thành viên tham gia các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa; của Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia và các chuyên gia tham gia Ủy ban Di sản Thế giới của Việt Nam.
Thành công của hồ sơ di sản có vai trò quan trọng của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris - Pháp trong việc điều phối thông tin, kịp thời kết nối, làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, ICOMOS, Ủy ban Di sản Thế giới, các chuyên gia để tiến hành hàng chục cuộc làm việc, tiếp xúc với các Trưởng đoàn, Đại sứ, chuyên gia của 20 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, ICOMOS giúp chúng ta cập nhật, giải thích thông tin, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu, cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các khuyến nghị của ICOMOS về bảo tồn di sản. Thành công này góp phần không nhỏ bởi sự trợ giúp đặc biệt của Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế, ICOMOS đã hỗ trợ tích cực về chuyên môn trong việc hoàn thiện hồ sơ, giải trình và thực hiện tốt các khuyến nghị của ICOMOS”, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Cận cảnh tháp Huệ Quang (Ảnh: Hồ sơ đề cử di sản thế giới)
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Thư gửi Tổng Giám đốc UNESCO và 20 Quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới đề nghị ủng hộ hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác quản lý, bảo vệ di sản, được các thành viên rất đánh giá cao. Trên cơ sở đó, Kỳ họp đã đạt được sự nhất trí tuyệt đối, toàn bộ thành viên đều ủng hộ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc xứng đáng để ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.
Các Di sản thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận đã và đang góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững, đồng thời qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Đóng góp này cũng thể hiện cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ các Di sản thế giới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á, gìn giữ cho hiện tại và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Việt Nam, với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 cũng đang đóng góp tích cực hơn nữa cho việc thực thi Công ước Di sản Thế giới.
Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Việt Nam có 2 hồ sơ đề cử gồm: Hồ sơ liên tỉnh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc và Hồ sơ đa quốc gia Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Việt Nam và Lào); đánh giá tình hình bảo vệ các Di sản thế giới, trong đó có tình trạng bảo tồn của Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội; chiến lược xây dựng nguồn nhân lực di sản thế giới; cập nhật Danh mục di sản thế giới bị đe dọa.
Theo HỒNG PHƯỢNG (Báo Tin Tức và Dân Tộc)