Hội nghị G20 đối mặt với nhiều bất đồng

30/11/2018 - 14:07

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới bên lề hội nghị G20 tại Argentina được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay.

Hôm nay (30-11, theo giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chính thức khai mạc tại Buenos Aires, Argentina. Thương mại, di cư và biến đổi khí hậu được dự kiến là các vấn đề tâm điểm tranh cãi giữa các nước thành viên G20.

Ảnh: G20.

Việc Mỹ quyết tâm buộc Trung Quốc phải "hành động thay đổi" như tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 ở Papua New Ghinea mới đây, trong khi Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chính sách thương mại của mình, khiến dư luận lo ngại về những tác động tới sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20.

Chính vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới bên lề hội nghị G20 tại Argentina được kì vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay. Nhiều tín hiệu lạc quan đã xuất hiện trước thềm sự kiện quan trọng. Mỹ sẵn sàng giảm bớt áp lực lên Trung Quốc nếu được đáp ứng những đòi hỏi về tự do hóa môi trường đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại cũng như giải quyết được vấn đề về ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ mà nước này cáo buộc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo giới trước khi lên máy bay đến Argentina cho biết: “Tôi nghĩ là chúng tôi đã có những bước tiến gần hơn với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc cũng muốn có một thỏa thuận với Mỹ. Chúng tôi đang đang mở cánh cửa với Trung Quốc và thành thực mà nói thì tôi muốn có một thỏa thuận ngay với họ”.

Phía Trung Quốc cũng bày tỏ mong đợi về một kết quả hợp lý sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Buenos Aires. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết bất đồng thương mại thông qua sự tôn trọng lẫn nhau, lợi ích và sự chân thành.

Ông Vương Thụ Văn cũng đồng thời kêu gọi: “Thương mại toàn cầu hiện đang phải đối mặt với một tình huống phức tạp, đặc biệt là khi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, tạo ra rất nhiều bất ổn cho sự phát triển kinh tế thế giới. Trong bối cảnh này, chúng tôi hy vọng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 13, các nước thành viên thể hiện tinh thần đoàn kết để giải quyết những bất đồng về thương mại cũng như những vấn đề quan trọng khác”.

Một sự kiện khác trong khuôn khổ hội nghị lần này cũng thu hút sự quan tâm của dư luận là những căng thẳng giữa Nga và phương Tây sau sự cố trên biển Azov. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin cho dù phía Nga vẫn khẳng định đây là cơ hội cần thiết đối với cả hai bên để giải quyết những bất đồng trong một loạt vấn đề.

Cùng với đó, sự “thờ ơ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với vấn đề Trái Đất nóng lên cũng khiến cho dư luận e ngại về khả năng các nền kinh tế thành viên có thể đạt được sự đồng thuận trong văn kiện cuối cùng của hội nghị.

Một quan chức giấu tên cho biết, sau hơn 2 ngày đàm phán gần như liên tục, vẫn còn nhiều tranh cãi về các vấn đề liên quan và đến nay các bên mới chỉ thống nhất được gần 2/3 số nội dung của tuyên bố chung. Các vấn đề vẫn đang còn bỏ ngỏ và chưa đạt được sự đồng thuận bao gồm thương mại, khí hậu, di cư, người tị nạn và chủ nghĩa đa phương. Mặc dù nước chủ nhà Argentina nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận tại một diễn đàn đa phương như G20, song sự chia rẽ trong các vấn đề toàn cầu đã làm dấy lên mối hoài nghi các nhà lãnh đạo G20 tại hội nghị lần này có thể không ra được một tuyên bố chung./.

Theo VŨ ANH TUẤN (VOV)