Giữa ngập tràn đồ chơi ngoại nhập hiện đại, sặc sỡ, đồ chơi truyền thống gần như không còn sức hấp dẫn và dần dần đi vào quên lãng. Tuy nhiên, đâu đó ở những làng quê, ngõ phố vẫn còn những người miệt mài làm ông tiến sĩ giấy, thiên nga bằng bông, đèn kéo quân, diều sáo, đèn ông sao,... Họ đang “giữ lửa” cho đồ chơi truyền thống để người dân Việt Nam, nhất là trẻ nhỏ có một tuổi thơ đúng nghĩa.
Những người đam mê với nghề
Trong kí ức của mọi người, nhớ về dịp trăng tròn tháng Tám là nhớ về những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy, những chiếc đèn lồng tự chế từ vỏ lon, vỏ hộp, thậm chí là vỏ bưởi... Món quà tuổi thơ ấy đơn giản nhưng lại thật ý nghĩa.
Những đồ chơi “thuần Việt” đỏ phố Hàng Mã. Ảnh: Phương Hà/TTXVN
Tuy nhiên, cuộc sống hối hả khiến nhiều người quên đi những đồ chơi giản dị ngày xưa. Thay vào đó, trẻ con ngày nay bị thu hút bởi đồ chơi Trung Quốc với đa dạng mẫu mã, màu sắc và vô cùng hiện đại. Ví như, chiếc đèn lồng truyền thống được làm bằng giấy hoặc nhựa mỏng, màu sắc đơn giản, hình vẽ thủ công; trong khi đó, đèn lồng xuất xứ từ Trung Quốc có màu sắc đa dạng, nhiều chi tiết cầu kỳ, bắt mắt, đèn phát sáng, phát nhạc, giá thành lại khá rẻ. Có những thời điểm, đồ chơi truyền thống bị mai một do sự lấn át của đồ chơi ngoại nhập.
Mặc cho sự thăng trầm của đồ chơi truyền thống, vẫn có những nghệ nhân ở các làng nghề làm đồ chơi dân gian ở Hà Nội như: Tò he ở Xuân La, huyện Phú Xuyên; đèn ông sao, tiến sĩ giấy ở Vân Canh, huyện Hoài Đức hay diều ở Hồng Hà, huyện Đan Phượng... đam mê giữ nghề, tiếp nối truyền thống cha ông để lại.
Trong căn nhà nhỏ trên gác ba, số 79 Hàng Lược, cô Quách Thị Bắc cứ đến tháng Bảy, tháng Tám hằng năm lại tất bật làm thiên nga bông. Mẹ chồng của cô - nghệ nhân Vũ Thị Thanh Tâm đã 70 năm theo nghề từ sau giải phóng Thủ đô năm 1954. Hiện nay, mắt bà đã kém, không còn nhanh nhẹn như trước, các công đoạn chính chủ yếu do cô Bắc đảm nhiệm. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Trung thu, cô Bắc lại chuẩn bị sẵn các nguyên liệu: giỏ tre đan, giấy bóng kính, xốp, dây thép, đặc biệt là bông. Hình ảnh chiếc lẵng với hai con thiên nga xinh xắn, đôi cánh trắng muốt, xung quanh điểm tô bằng những bông hoa nhiều màu sắc là món đồ chơi Trung thu trẻ con trước đây từng ao ước.
Cô Bắc chia sẻ, dù đồ chơi Trung Quốc du nhập vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng đồ chơi truyền thống vẫn có sức hấp dẫn riêng. Nghề làm thiên nga bông đối với cô như một đam mê và sẽ thật tiếc nuối nếu nghề này bị mất đi. Mỗi dịp Trung thu, cô bày bán thiên nga bông trước cửa nhà trên phố Hàng Lược, được rất nhiều khách hàng lựa chọn, có khi đến 13 tháng 8 âm lịch là hàng hết nhẵn, nhiều người đặt thêm nhưng cô làm không kịp.
Những nghệ nhân không chỉ miệt mài sản xuất cho khách hàng trong nước mà còn quảng bá đồ chơi dân gian truyền thống Việt Nam đến rất nhiều bạn bè thế giới. Nghệ nhân diều sáo Nguyễn Hữu Kiêm (thôn Bá Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) gần 60 năm theo nghề, ông từng mang diều sáo tới nhiều đất nước như: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc…Với những cánh diều, con sáo do chính tay mình làm ra, nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm từng tham gia Festival diều lớn nhất hành tinh năm 2012, Festival diều quốc tế tại Vũng Tàu, biểu diễn tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long...
Ông tâm sự, sáo diều của Việt Nam xứng đáng được bạn bè quốc tế tôn trọng, bởi tiếng sáo diều mang cả tâm hồn người làm nghề nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Một người Ireland có những cánh diều lớn nhất thế giới, sau khi chứng kiến sáo diều của Nguyễn Hữu Kiêm, đã khẳng định rằng “Festival diều thế giới từ nay trở đi không thể không có Việt Nam”.
Đồ chơi truyền thống vẫn luôn được “giữ lửa” bởi những con người “nặng lòng” như vậy. Nhờ có họ mà đồ chơi dân gian không bị mất đi, từ đó trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với đồ chơi xưa, tìm hiểu về nó, thích thú, yêu mến nó và có một tuổi thơ đúng nghĩa.
Thắp lên niềm hi vọng cho đồ chơi truyền thống
Những năm trở lại đây, đồ chơi truyền thống hoàn toàn có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam. Vào dịp Trung thu hay Ngày Quốc tế thiếu nhi, trên các con phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can... đồ chơi truyền thống được bày bàn với số lượng lớn.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, các nhà sản xuất trong nước đã và đang cải tiến mẫu mã, đồ chơi truyền thống vẫn giữ được nét cổ truyền riêng nhưng thêm phần mới lạ và thu hút con trẻ. Những chiếc đèn lồng, mặt nạ,.. được sáng tạo dựa trên các nhân vật trong phim hoạt hình khiến trẻ em không khỏi thích thú. Giá cả của các món đồ chơi này cũng được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Đặc biệt, hiện nay, nhiều món đồ chơi Trung Quốc chứa độc tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và trí tuệ của trẻ em. Có những đồ chơi kích động tư duy bạo lực, làm thay đổi tính cách, cách ứng xử xã hội, vô tình khiến trẻ em trở nên khó bảo và phát triển tiêu cực. Các bậc phụ huynh đã và đang nhận thức được điều đó và họ càng tin yêu hơn với những đồ chơi dân gian.
Chị Nguyễn Thị Mai (phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, những năm gần đây, đồ chơi dân gian xuất hiện phổ biến hơn, các con của chị dần dần thích đồ chơi truyền thống hơn là đồ chơi Trung Quốc. Mỗi dịp Trung thu đến, các cháu rất thích thú khi được mẹ mua cho đèn ông sao, mặt nạ giấy do chính nghệ nhân Việt làm ra, các con cũng rất nâng niu, giữ gìn đồ chơi của mình.
Tại các cuộc phá cỗ Trung thu ở khu dân cư, những đồ chơi xưa không chỉ xuất hiện trên tay các em nhỏ mà còn được trang trí khắp xung quanh. Người ta dựng đèn ông sao ở chính giữa trại thu, đặt những giỏ thiên nga bông xinh xắn, những ông tiến sĩ giấy, đầu sư tử... trong các lều trại. Trẻ con ai cũng có đồ chơi của riêng mình và hòa cùng không khí phá cỗ Trung thu đúng nghĩa bên những món đồ xưa mang đậm truyền thống dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay, đồ chơi dân gian có mặt ở rất nhiều sự kiện văn hóa, được du khách trong và ngoài nước vô cùng yêu thích. Các địa phương, đoàn thể, đơn vị đã quan tâm đến đồ chơi truyền thống, tổ chức nhiều hoạt động để giữ gìn và phát huy. Cô Quách Thị Bắc cho biết, cô đã từng được mời tham gia nhiều hội chợ, triển lãm của thành phố Hà Nội. Những lẵng thiên nga bông trắng muốt được cả người lớn và trẻ con yêu thích, nhiều người tới xin chụp ảnh, có người trong miền Nam biết đến cũng đặt hàng để làm quà tặng.
Sự hưởng ứng của khách hàng là niềm động lực to lớn cho những nghệ nhân quyết tâm gìn giữ nghề. Họ lo lắng, trăn trở nghề làm đồ chơi truyền thống dần bị mai một và luôn tâm huyết truyền lại nghề cho các thế hệ đi sau. Cô Nguyễn Thị Tuyến - làm đèn ông sao, cô Quách Thị Bắc - làm thiên nga bông hay nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm - làm diều sáo... là những người hằng năm vẫn kiên trì dạy các em nhỏ tại Bảo tàng dân tộc học, Phố cổ Hà Nội hay tại các công ty trải nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua những hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết của người làm nghề, lớp trẻ ngày nay có cơ hội tìm hiểu, khám phá cách làm đồ chơi xưa, từ đó tiếp nối truyền thống và phát huy hơn nữa trong xã hội hiện đại mai sau.
Đồ chơi truyền thống mang trong nó dáng dấp, tâm hồn con người Việt Nam qua bao thế hệ. Mỗi món đồ chơi được làm ra là sự kết tinh mồ hôi, công sức, có cả tình yêu, lòng nhiệt huyết, những lo lắng, trăn trở của người đang miệt mài gìn giữ chúng. Tuổi thơ với những đồ chơi giản dị như: tò he, đèn ông sao, thiên nga bông, đèn kéo quân hay diều sáo... không đáng bị thay thế bởi bất kì điều gì khác.
Theo KIM THU (Báo Tin Tức)