Hơn 1.000 bị hại tới dự phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tân Hoàng Minh

19/03/2024 - 14:00

Với hơn 1.000 bị hại đã tới tham dự phiên xử, Tòa án đã bố trí nhiều phòng, khu vực có màn hình kết nối trực tiếp hình ảnh từ phòng xử để các bị hại và phóng viên theo dõi diễn biến phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 19/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (viết tắt là Công ty Tân Hoàng Minh).

Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa.

Ba kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Trong vụ án này, 15 bị cáo gồm: 10 bị cáo thuộc Công ty Tân Hoàng Minh là:

- Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty),

- Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty),

- Phùng Thế Tính (nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính-Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính-Kế toán),

- Hoàng Quyết Chiến (quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính-Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính-Kế toán),

- Lê Thị Mai (nguyên Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn),

- Vũ Lê Vân Anh (Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn),

- Nguyễn Văn Khẩn (Phó Trưởng phòng Ngân sách Trung tâm Tài chính-Kế toán),

- Lê Văn Thịnh (Phó Tổng Giám đốc),

- Trần Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc),

- Nguyễn Khoa Đức (Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cung điện Mùa đông)

và 5 bị cáo khác gồm:

- Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt),

- Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc),

- Lê Văn Dò (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Kế toán Hà Nội),

- Phan Anh Hùng (nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội, Chi nhánh Sài Gòn),

- Nguyễn Thị Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội),

bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a, Bộ luật Hình sự.

ttxvn_1903_tan hoang minh (1).jpg

Bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) khai báo trước toà. (Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN)

Trong số 15 bị cáo, có 7 bị cáo được tại ngoại, 8 bị cáo bị tạm giam.

Có khoảng 30 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng, luật sư Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật FANCI) bào chữa cho bị cáo Đỗ Hoàng Việt.

Liên quan đến vụ án, Tòa đã triệu tập 6.630 bị hại là các nhà đầu tư, gần 100 cá nhân và đại diện tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa, hơn 1.000 bị hại đã tới tham dự phiên xử.

Tòa án đã bố trí nhiều phòng, khu vực có màn hình kết nối trực tiếp hình ảnh từ phòng xử để các bị hại và phóng viên theo dõi diễn biến phiên tòa.

Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, do gặp khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông), phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu, ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng cách ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn.

Các bị cáo đã thông đồng với các bị cáo thuộc các đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu Báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để hợp thức các công ty này có đủ điều kiện phát hành trái phiếu; ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư; tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu, sử dụng tài sản của chính các hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu…

Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, với tổng số tiền hơn 8.643 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành.

ttxvn_1903_tan hoang minh (2).jpg

Bị cáo Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) khai báo trước toà. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trong số các bị cáo, bị cáo Đỗ Anh Dũng bị Viện Kiểm sát xác định là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Công ty Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Dũng đã chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách tài chính, tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn.

Bị cáo Dũng còn đồng ý, phê duyệt cho triển khai những nội dung như: Lựa chọn công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành, giá trị dự kiến phát hành, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Công ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư…

Qua đó, chiếm đoạt của 6.630 bị hại hơn 8.643 tỷ đồng thông qua phát hành 9 gói trái phiếu.Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.

Theo Vietnamplus