Hơn 1.000 sản phẩm đặc sản các vùng miền hội tụ tại An Giang

16/12/2023 - 20:08

 - Diễn ra từ ngày 14/12 đến 18/12/2023, tại quảng trường phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc), Ngày hội sản phẩm đặc trưng - nổi tiếng An Giang và các vùng miền năm 2023 đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân, du khách khi đến TP. Châu Đốc – An Giang trong thời điểm này.

Với quy mô 200 gian hàng kinh doanh hơn 1.000 sản phẩm đặc sản vùng miền trong cả nước, Ngày hội sản phẩm đặc trưng - nổi tiếng An Giang và các vùng miền năm 2023” đã mang những sản phẩm đạt chất lượng đến với người tiêu dùng, cũng như những trải nghiệm độc đáo về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hóa các dân tộc vô cùng đặc sắc.

Ngày hội có quy mô 200 gian hàng kinh doanh hơn 1.000 sản phẩm đặc sản các vùng miền trong cả nước

Trong thời điểm diễn ra ngày hội, có rất đông người dân An Giang đến tham quan, mua sắm. Mọi người thích thú với các sản phẩm đặc sản đến từ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang và An Giang.

Gian hàng tỉnh An Giang trong Ngày hội

Anh Trần Cao Sang (ngụ huyện Châu Phú) nói: “Tôi rất hào hứng khi tham quan, mua sắm tại ngày hội. Đến đây, mình mới thấy tận mắt, bắt tận tay những sản phẩm đến từ các tỉnh phía Bắc hay vùng Tây Nguyên. Thông thường, muốn thấy chúng phải đi du lịch đến đó hoặc đặt mua trên Shopee, Tiktok… Giờ tất cả hội tụ tại đây, nên tôi quyết định mua vài món về làm quà cho người thân. Tôi thích nhất là các loại cà phê đến từ Đắk Lắk, Lâm Đồng. Trong thời gian diễn ra ngày hội, tôi sẽ đến tham quan vài lần nữa để mua sắm thêm những đặc sản mình thích”.

Du khách tham quan, mua sắm trong ngày hội

Để phục vụ tốt nhất cho khách tham quan, Ban Tổ chức ngày hội bố trí các gian hàng thành nhiều khu vực, gồm: Khu gian hàng đặc sản và biểu diễn cộng đồng tỉnh An Giang; khu gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản của 19 tỉnh, thành phố trong cả nước; không gian giao lưu văn hóa - ẩm thực, gồm: Khu vực “Gánh hàng rong” phục vụ các món ăn đặc trưng của tỉnh An Giang và các vùng miền; khu vực sân khấu biểu diễn cộng đồng; các gian hàng giới thiệu những sản phẩm có xuất xứ Thái Lan hiện có mặt tại thị trường Việt Nam.

Đến với ngày hội, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hẳn sự kiện "Tuần lễ nông sản tại An Giang", ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thông tin: “Ngày hội sản phẩm đặc trưng - nổi tiếng An Giang và các vùng miền năm 2023 góp phần giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng đến với người dân An Giang và du khách các tỉnh ĐBSCL. Tại ngày hội, các doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã ký kết biên bản ghi nhớ, những hợp đồng, hợp tác cung ứng sản phẩm với các doanh nghiệp thuộc  các tỉnh, thành phố bạn. Đây là tín hiệu tích cực, giúp cho hoạt động giao thương của chúng tôi thuận lợi hơn”.

Các sản phẩm OCOP đến từ Lâm Đồng

Theo ông Dương Quốc Anh (tỉnh Lâm Đồng) đang tập trung xây dựng thương hiệu nông sản. Vị khách đến từ cao nguyên cũng ấn tượng với điểm nhấn trong ngày hội tại An Giang, nhất là hoạt động biểu diễn cộng đồng các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoạt động này cho thấy sự đa dạng, độc đáo cũng như giá trị văn hóa đặc sắc mà các địa phương mang đến ngày hội.

Sau lễ khai mạc ngày hội, rất đông du khách từ các ngã đường đổ về khu vực quảng trường phường Châu Phú A và các tuyến đường lân cận để tham quan, mua sắm, tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Thường trực ngày hội thông tin: “Chúng tôi rất lạc quan với sự ủng hộ của đông đảo người dân và du khách. Không chỉ có các hoạt động giao thương, ngày hội còn là cơ hội để các tỉnh, thành phố tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực đa dạng, phong phú, cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, từng bước tạo dựng thương hiệu cho địa phương mình”.

Trong khuôn khổ ngày hội, còn có các hoạt động nổi bật, như: Chương trình biểu diễn văn hoá cộng đồng tái hiện phong tục rước rể và biểu diễn nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiều số Chăm; chương trình văn nghệ quảng bá quê hương, đất nước; “Đêm Tây Nguyên huyền diệu” tại An Giang, cùng các hoạt động vui chơi giải trí khác...

Khu vực biểu diễn cộng đồng tỉnh An Giang với nét văn hóa Chăm đặc sắc.

Trong khuôn khổ ngày hội năm 2023, còn có Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh An Giang và doanh nghiệp các tỉnh, thành bạn về tham dự Ngày hội. Đây sẽ là động lực thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ, định hướng phát triển sản xuất sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, cũng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu các sản phẩm và hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thiện chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm, từng bước chinh phục thị trường trong, ngoài nước.

Ngày hội tạo điểm nhấn sôi nổi cho hoạt động giao thương tại TP. Châu Đốc

“Chúng tôi tin rằng, ngày hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP trong việc giao thương, liên kết và hợp tác kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, cũng giúp du khách trải nghiệm sắc màu văn hóa các dân tộc trong cả nước ngay trên mảnh đất An Giang này, vào thời điểm tất cả chúng ta đang bước sang năm 2024 với nhiều kỳ vọng” – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu khẳng định.

THANH TIẾN