Hơn 100 nghìn người tại Anh tử vong, EU kêu gọi hãng sản xuất vaccine tôn trọng cam kết

27/01/2021 - 13:35

Số ca tử vong do Covid-19 tại Anh tính đến ngày 26-1 đã vượt mốc 100 nghìn người, nhiều hơn số dân thường của nước này thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Quan chức phụ trách y tế vùng England cảnh báo sẽ có thêm nhiều ca tử vong do Covid-19 trước khi chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai. Anh đang xếp thứ năm về số ca mắc và tử vong trong bảng xếp hạng của thế giới. Chính phủ nước này đang ráo riết đẩy nhanh phân phối vaccine ngừa Covid-19 và kiểm soát sự lây lan biến thể của virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến chương trình vaccine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các công ty sản xuất vaccine ngừa Covid-19 “phải giao hàng”, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm vì việc giao hàng chậm trễ.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, bà von der Leyen cho biết, châu Âu đã đầu tư hàng tỷ euro để giúp phát triển vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và các công ty phải tôn trọng nghĩa vụ và giao hàng. Bà von der Leyen khẳng định EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vaccine để bảo đảm các công ty tôn trọng các nghĩa vụ theo hợp đồng của họ với EU. 

Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 100 nghìn ca tử vong do Covid-19. (Ảnh: AP)

Bà Von der Leyen dẫn đầu nỗ lực của EC mua hơn hai tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng cho 27 quốc gia thành viên, với tổng dân số là 450 triệu người. Sau khi Pfizer thông báo trì hoãn giao hàng hồi tuần trước, bà Von der Leyen tuyên bố rằng, mục tiêu là sẽ tiêm chủng cho 70% người trưởng thành ở EU vào cuối tháng 8 tới. Tốc độ triển khai tiêm chủng của EU được đánh giá chậm hơn Mỹ, Anh và Israel, mặc dù các quốc gia thành viên bao gồm Malta, Đan Mạch và Pháp đã bắt đầu đẩy nhanh các chương trình của mình.

Trong bài phát biểu, bà Von der Leyen cho biết, việc mua vaccine của EC không chỉ dành cho riêng EU mà còn dành cho các nước nghèo hơn ngoài EU, những nước phải được cung cấp vaccine thông qua chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.

EC đang yêu cầu tập đoàn AstraZeneca của Anh và Thụy Điển, công ty Pfizer của Mỹ trả lời về thông báo chậm giao hàng cho EU. AstraZeneca sản xuất vaccine tại Anh và Bỉ, trong khi đó Pfizer hợp tác với công ty Đức BioNTech sản xuất vaccine ở Bỉ.

Trong một dấu hiệu lo ngại rằng các tập đoàn dược phẩm có thể bán lượng thuốc đã hứa cho khách hàng bên ngoài khối với giá cao hơn, EU đang thực hiện động thái buộc các nhà sản xuất vaccin phải thông báo cho cơ quan chức năng về bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào ra ngoài EU. Khối hiện vẫn chưa cấp phép cho vaccine AstraZeneca, được coi là loại phù hợp nhất để "tiêm chủng hàng loạt". Vương quốc Anh sử dụng loại thuốc này kể từ ngày 4-1 vừa qua.

Theo các quan chức EU, AstraZeneca đã đề nghị cung cấp cho EU vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 2, nhưng không đưa ra thông tin rõ ràng về khả năng xác định lại số lượng cung cấp cho nước Anh để thúc đẩy giao hàng cho EU. AstraZeneca đã bất ngờ thông báo vào ngày 22-1 rằng họ sẽ cắt giảm lượng cung cấp ứng viên vaccine của mình cho EU trong quý I năm nay. Tập đoàn cho biết lịch trình sửa đổi là do các vấn đề sản xuất ở châu Âu. Một quan chức cấp cao của EU nói vào tuần trước rằng vấn đề phát sinh là từ phía nhà máy sản xuất vaccine ở Bỉ, do đối tác của AstraZeneca là Novasep điều hành.

Dự kiến, EU sẽ đề xuất thành lập một tổ chức công - tư thuộc Cơ quan ứng phó khẩn cấp y tế châu Âu mới. Đây được coi là một phần trong chiến lược dài hạn để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cũng như trong tương lai. Theo quan điểm của nhiều quốc gia thành viên, EU đã chuẩn bị tốt cho chiến dịch tiêm chủng, sự chậm trễ trong việc giao hàng dẫn đến tổn thất không chỉ về nguồn lực công mà còn cả về tính mạng con người. 

Thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 27-1 (giờ Việt Nam):

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 26.008.791 ca mắc, 435.387 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.690.279 ca mắc, 153.751 ca tử vong
3. Brazil: 8.936.590 ca mắc, 218.918 ca tử vong
4. Nga: 3.756.931 ca mắc, 70.482 ca tử vong
5. Anh: 3.689.746 ca mắc, 100.162 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.012.350 ca mắc, 28.468 ca tử vong 
2. Philippines: 516.166 ca mắc, 10.386 ca tử vong
3. Malaysia: 190.434 ca mắc, 700 ca tử vong 
4. Myanmar: 138.368 ca mắc, 3.082 ca tử vong  
5. Singapore: 59.366 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 14.646 ca mắc, 75 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.551 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 460 ca mắc
9. Brunei: 176 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 44 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 29.719.278 ca mắc, 627.790 ca tử vong 
2. Châu Âu: 29.392.489 ca mắc, 676.638 ca tử vong
3. Châu Á: 22.711.180 ca mắc, 366.733 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 15.445.381 ca mắc, 405.752 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.490.691 ca mắc, 87.077 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 50.010 ca mắc, 1.076 ca tử vong

Theo Báo Nhân Dân