Huyện anh hùng Tri Tôn tiếp bước đi lên

22/11/2022 - 06:14

 - Là vùng đất cách mạng, nhiều mất mát, hy sinh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đến nay, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ý chí vươn lên vẫn luôn mạnh mẽ. Huyện quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển xứng tầm với xương máu đổ xuống của các thế hệ cha anh.

Vùng đất giàu truyền thống

Ngày 23/8 được xem là ngày thành lập huyện Tri Tôn, bởi cách nay 43 năm (1979), Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 300-CP, chia huyện Bảy Núi (tỉnh An Giang) thành huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuy nhiên, vùng đất Svayton (Xà Tón, hay Tri Tôn) có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời. Đặc biệt, đây còn là cái nôi cách mạng trong công cuộc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cứu nước, chịu nhiều mất mát, hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tri Tôn Trần Văn Hợp cho biết, Tri Tôn từng là căn cứ cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến, đặc biệt là căn cứ Tỉnh ủy An Giang ở Ô Tà Sóc và đồi Tức Dụp thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau năm 1975, Tri Tôn là huyện khó khăn hơn tất cả các địa phương khác trong tỉnh khi chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh cũ, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới chống quân diệt chủng Pôn-Pốt, giữ vững biên giới Tây Nam. Nhà mồ Ba Chúc vừa là minh chứng cho tội ác của quân diệt chủng, vừa là chứng tích cho những mất mát của Tri Tôn.

Tri Tôn tổ chức biểu diễn dù lượn, diều lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”

Đi qua nỗi đau chiến tranh, vượt lên khó khăn chồng chất, Đảng bộ huyện Tri Tôn đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động, trước mắt là tập trung chăm lo lương thực, chỗ ở cho nhân dân. Là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, Tri Tôn đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, đầu tư thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, nâng từ lúa 1 vụ (lúa mùa nổi) lên lúa cao sản 2 vụ, rồi 3 vụ.

Với nhiều nỗ lực, Tri Tôn đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Cơ sở kinh tế - hạ tầng, phúc lợi xã hội được đầu tư mở rộng; các tuyến giao thông nông thôn được sửa chữa, nâng cấp, giúp đi lại thông thoáng; hệ thống điện, nước phủ kín ở các xã vùng sâu, vùng dân tộc.

Đến nay, các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, xây dựng, nông thôn mới đều có sự phát triển rõ nét, tiềm năng dần được đánh thức; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đánh thức thế mạnh

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, nông nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực thế mạnh, được huyện tập trung đầu tư hạ tầng, mời gọi doanh nghiệp (DN) liên kết, hợp tác, đầu tư nhằm đánh thức tiềm năng.

Trong số những địa chỉ du lịch ở Tri Tôn, cái tên Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek trở nên khá phổ biến. Tại đây, có những môn thể thao độc đáo được tổ chức, mà không thể tìm thấy ở nơi nào khác trong khu vực ĐBSCL, như: Đua bò Bảy Núi; biểu diễn dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình, khinh khí cầu…

Khi đồi Tà Pạ được đầu tư bài bản, “Tuyệt tình cốc” Tà Pạ sẽ kết hợp với một góc núi Tô, khu nghỉ dưỡng hồ Soài Chek, sân đua bò, nhà truyền thống… tạo thành điểm nhấn đặc biệt, đúng như câu: “Lên Đắk Lắk ghé Buôn Đôn/ Đến Tri Tôn vào Soài Chek”. Cùng với đó, hồ Ô Thum với khung cảnh đặc sắc cùng món gà đốt, đồi Tức Dụp với chiến tích hào hùng, Soài So - Suối Vàng với cảnh đẹp hùng vĩ, Ô Tà Sóc hòa mình vào thiên nhiên… đều là những điểm đến hấp dẫn, đang được đầu tư khai thác.

Khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc

Với quỹ đất lớn, Tri Tôn đang tạo sức hút đầu tư đối với các tập đoàn, DN lớn, đầu tư công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Cùng với cây lúa, các trang trại chăn nuôi được mở rộng, vùng dược liệu, vùng cây ăn trái được hình thành.

Ông Cao Quang Liêm cho biết, huyện khuyến khích nông dân liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), xây dựng trang trại. Trong đó, định hướng mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất một HTX kiểu mới, liên kết với nông dân, DN sản xuất theo quy trình và tiêu chuẩn chất lượng. Các HTX có sự tham gia của DN về nhân sự quản lý, vốn đầu tư để hợp tác lâu dài, bền vững.

Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện, Tri Tôn đã và đang đón được nhiều “đại bàng” về “làm tổ”. Điển hình như Tập đoàn Tân Long đã đưa vào hoạt động nhà máy gạo Hạnh Phúc với quy mô lớn nhất Châu Á, công nghệ hiện đại.

Trong khi đó, Tập đoàn TH đang triển khai đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, áp dụng quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay. Với Tập đoàn THACO, Tri Tôn là địa điểm thích hợp mở rộng các trang trại nuôi heo thịt, heo giống công nghệ cao. Cùng với huyện Tịnh Biên, THACO đang đẩy mạnh đầu tư tại Tri Tôn, xây dựng nơi đây thành trung tâm cung ứng heo giống, heo thịt chất lượng cho khu vực…

NGÔ CHUẨN