Huyện miền núi Tri Tôn tăng cường truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản

03/09/2024 - 06:10

 - Huyện Tri Tôn có quy mô dân số (DS) 117.755 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,01‰, mức giảm sinh 0,15‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,77%, tỷ số giới tính khi sinh là 108,6 bé trai/100 bé gái. Nhằm tăng cường truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), Ban Chỉ đạo Công tác DS và phát triển huyện đã ra quân chiến dịch “Truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và khám sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung” năm 2024.

Qua kết quả cuộc Tổng điều tra DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện vừa qua, tỷ suất sinh liên tục giảm từ 17,74 ‰ năm 2010 còn 13,10‰ năm 2022; tỷ lệ tăng DS tự nhiên giảm từ 1,21% năm 2010 xuống còn 1,01% năm 2023. Chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại cơ bản đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu do tỉnh giao. Công tác truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần không nhỏ vào công tác DS-KHHGĐ. Các vấn đề về nâng cao thông tin, kiến thức, kỹ năng sống cho vị thành niên, thanh niên, hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao được tổ chức thường xuyên hàng năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết: “Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của nam giới trong chăm sóc SKSS/KHHGĐ cải thiện rõ rệt. Đa số cặp vợ chồng đã chấp nhận quy mô gia đình nhỏ để ổn định cuộc sống. Gia đình có đủ 2 con đang dần trở thành chuẩn mực chung của xã hội hiện đại. Đó là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động và thực hiện các mặt hoạt động của công tác DS-KHHGĐ trong nhiều năm qua”.

Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình

Ông Bùi Văn Lô (ngụ khóm 1, thị trấn Tri Tôn) cho biết: “Tri Tôn có đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chiếm số đông, tuy nhiên một số phong tục đã được cải tiến. Đó là không kết hôn cận huyết trong dòng tộc, anh em, để sinh ra những thế hệ con cháu mạnh khỏe và thông minh. Gia đình tôi và người thân sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, mỗi gia đình sinh đủ 2 con; vì tương lai giống nòi Việt, không lựa chọn giới tính thai nhi”.

Ông Trần Minh Giang cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của huyện cũng gặp không ít khó khăn. Tri Tôn là huyện miền núi, vùng dân tộc, trình độ dân trí của người dân mặc dù đã được nâng lên tuy nhiên ý thức về chăm sóc SKSS đối với phụ nữ còn hạn chế. Mạng lưới cán bộ DS ở tuyến cơ sở có trình độ chuyên môn chưa đồng đều, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác truyền thông, giáo dục về DS-KHHGĐ.

“Tuy đời sống của người dân ngày càng khá lên, nhưng nhiều gia đình chỉ muốn sinh 1 con. Mặt khác, trong xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng nho giáo phong kiến, phải có con trai nối dõi. Đó cũng là một trong những lý do tiềm ẩn sự gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai. Tổng tỷ suất sinh đã đạt được mức sinh thay thế và trong thời gian tới, nếu không làm tốt công tác truyền thông để điều chỉnh mức sinh thì huyện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tỷ lệ giảm sinh dưới mức sinh thay thế”- ông Giang nhận định.

Bên cạnh đó, An Giang là một trong những tỉnh có số tỷ lệ người mắc ung thư đường sinh dục rất cao. Trong đó, tỷ lệ ung thư cổ tử cung trên phụ nữ các lứa tuổi đứng hàng thứ 3 trong các tỉnh miền Tây (chỉ sau Long An và Tiền Giang). Theo báo cáo Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023, An Giang có trên 19.000 người/năm đến khám nhập viện điều trị. Đó cũng là nguyên nhân đáng báo động và quan tâm hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang, những khó khăn đó đặt ra cho huyện không ít thách thức trong công tác DS-KHHGĐ. Vì vậy, chiến dịch năm nay được triển khai tại 15 xã, thị trấn trên địa bàn. Thời gian tới, đề nghị các cấp lãnh đạo từ huyện đến cơ sở phải hết sức quan tâm, chia sẻ trách nhiệm này với công tác DS huyện nhà, nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng này trước mắt cũng như lâu dài. “Hiện, tỷ số giới tính của huyện vẫn còn trong giới hạn bình thường (108,63 bé trai/100 bé gái), nhưng không vì thế mà chủ quan. Các ngành, các cấp cần phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt mô hình gia đình nhỏ có đủ 2 con, con trai cũng như con gái, không lựa chọn giới tính khi sinh” - ông Trần Minh Giang yêu cầu.

Qua đó, UBND huyện Tri Tôn kêu gọi các cấp, ngành thực hiện tốt và tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGĐ, quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh đủ 2 con để nuôi, dạy chu đáo và góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuyên truyền tư vấn cộng đồng về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong cộng đồng, sàng lọc ung thư đường sinh dục, sàng lọc trước sinh và sơ sinh… nhằm nâng cao chất lượng giống nòi.

HẠNH CHÂU