Iran nêu điều kiện để Mỹ tham gia các cuộc họp của P4+1

08/07/2019 - 14:55

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ngày 7-7 cho biết Mỹ có thể tham gia cuộc họp với các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với điều kiện Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của Iran.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi phát biểu tại một sự kiện ở Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp báo, ông Araqchi nêu rõ: "Mỹ đã rút khỏi JCPOA và không thể sử dụng bất kỳ cơ chế nào của thỏa thuận này, nhưng vẫn có thể tham dự các cuộc họp của P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) theo những điều kiện được nêu ra. Điều kiện đầu tiên của chúng tôi (dành cho Mỹ) là (dỡ bỏ) các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Các lệnh trừng phạt khác cũng sẽ được cân nhắc".

Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh thỏa thuận JCPOA trong mọi hoàn cảnh sẽ không được đàm phán lại và nó nên được thực thi chính xác.

Trong khi đó, Nhật Bản kêu gọi Iran tuân thủ các cam kết của mình trong JCPOA với các cường quốc thế giới và kiềm chế các hành động có nguy cơ làm suy yếu thỏa thuận này. Kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Tehran tuyên bố nước này đã bắt đầu làm giàu urani vượt giới hạn mà thỏa thuận đặt ra.

Phát biểu họp báo, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh: "Chúng tôi rất quan tâm tới thông báo của Iran hôm 7-7. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, ngay lập tức quay lại các cam kết của mình và không thực hiện thêm các bước sẽ làm hỏng thỏa thuận này".

Ông Nishimura nói thêm rằng: "Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với các nước khác trong vai trò làm giảm căng thẳng và ổn định tình hình ở Trung Đông. Chúng tôi tin rằng vấn đề nên được giải quyết thông qua đối thoại". Nhật Bản, quốc gia đã xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Iran - đã ủng hộ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này như một cách để thúc đẩy sự ổn định ở Trung Đông.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết nước này đã bắt đầu tăng cường làm giàu urani trên mức giới hạn 3,67% theo thỏa thuận đã ký hồi năm 2015 với Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức.

Theo PHƯƠNG HOA (Báo Tin Tức)