Kết nối giao thông phục vụ kinh tế mũi nhọn

14/02/2018 - 01:03

 - Việc hoàn thành sửa chữa, nâng cấp nhiều trục đường chính đã tạo iều kiện cho nông nghiệp (NN) và du lịch (DL) đạt nhiều kết quả nổi bật. Khi hệ thống giao thông của tỉnh được kết nối thông suốt vào các tuyến quốc lộ (QL), các tuyến đường “xương sống” nối các tỉnh lân cận, kinh tế An Giang càng có điều kiện tăng tốc.

Nối tuyến DL liên hoàn

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Ngô Công Thức cho biết, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), xác định NN và DL là 2 ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang, đơn vị đã tập trung vào các công trình GT phục vụ các lĩnh vực thế mạnh này. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2017, khi đoạn Tân Tuyến- Sóc Triết, thuộc Tỉnh lộ (TL) 943 trên địa bàn huyện Tri Tôn được cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh, tuyến DL liên hoàn nối Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Đốc mới thật sự thông suốt. Từ nay, sau khi tham quan các địa điểm tại Long Xuyên như: Mỹ Hòa Hưng (khu lưu niệm Bác Tôn), chợ nổi Long Xuyên, du khách có thể vào Thoại Sơn, ghé lòng hồ núi Sập, di tích Óc Eo - Ba Thê rồi đi thẳng lên Tri Tôn theo hướng Tân Tuyến - Cô Tô để thăm di tích lịch sử cách mạng đồi Tức Dụp, vào chơi hồ Soài So - suối Vàng, sau đó qua Tịnh Biên dạo chơi núi Cấm, tiếp tục qua Châu Đốc viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu. Từ TP. Châu Đốc, du khách có thể lên búng Bình Thiên (An Phú), qua làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu) hoặc trở về TP. Long Xuyên.

Tiềm năng của tuyến DL liên hoàn là vậy nhưng hàng chục năm nay bị “khóa” lại bởi đoạn Tân Tuyến - Sóc Triết. Trước đây, đoạn đường này dày đặc “ổ gà”, “ổ voi”, trở thành nỗi ám ảnh của các tài xế, nhất là đối với xe DL. Nhiều người không quen đường, bị sa vào “ao nước” giữa đường, phải nhờ người dân dùng xe công nông tiếp kéo lên. Do tắc đường, lượng du khách vào lòng hồ núi Sập, di tích Óc Eo - Ba Thê thưa thớt bởi sau khi vào đây tham quan, họ không biết đi đâu ngoài quay trở về Long Xuyên. DL đồi Tức Dụp cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, giờ đây, khi đoạn Tân Tuyến - Sóc Triết được nâng cấp, láng nhựa bằng phẳng, tuyến DL liên hoàn cũng được khai thông khi Ba Thê chỉ cách Cô Tô khoảng 20km. Ông Ngô Công Thức cho biết, để tạo thuận lợi khai thác DL, Sở GT-VT đang đốc thúc nhà thầu nhanh chóng hoàn thành việc mở rộng đoạn Thoại Giang - Mướp Văn (Thoại Sơn), đồng thời chuẩn bị đấu thầu thi công đoạn Mướp Văn - Tân Tuyến (nối Thoại Sơn - Tri Tôn, dài 3km) để kết nối thông suốt toàn tuyến TL943. “Sở đã lập hồ sơ duy tu, sửa chữa đoạn TL 948 từ Trà Sư - núi Cấm (Tịnh Biên) để đảm bảo GT cho tuyến DL liên hoàn”- ông Thức nhấn mạnh.

Phục vụ kinh tế nông thôn

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), GT là một trong những tiêu chí quan trọng, tuy đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn nhưng hiệu quả mang lại càng lớn hơn. Do vậy, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đều tích cực vận động xã hội hóa xây dựng cầu, đường NT, được người dân, các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình. “Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề ra kế hoạch xây dựng 373 cây cầu NT, với tổng kinh phí khoảng 1.184 tỷ đồng. Đến nay, nhờ đẩy mạnh xã hội hóa, có 268 cây cầu đã được xây dựng, với tổng kinh phí trên 800 tỷ đồng, đạt gần 72% số cầu cần xây dựng. Đó là nhờ sự chung sức, chung lòng của các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy NT phát triển” - ông Thức đánh giá.

Để sớm hoàn thành hệ thống GTNT, bên cạnh tập trung các nguồn lực đầu tư, Sở GT-VT còn tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án của những tổ chức trong và ngoài nước. Trước mắt, Sở GT-VT đã thống nhất với Tổng cục Đường bộ (Bộ GT-VT) sử nguồn vốn ODA của dự án GRAM với tổng trị giá 120 tỷ đồng, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ không hoàn lại để triển khai xây dựng cầu NT trên địa bàn An Giang. Dự kiến năm 2018, sẽ có thêm 36 cây cầu được xây dựng từ dự án này. “Sở GT-VT sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ và các nguồn viện trợ khác do Bộ GT-VT quản lý để nâng cấp các tuyến đường NT đạt tải trọng 8 tấn, đáp ứng tiêu chí NTM và tạo thuận lợi để kết nối hàng hóa, nông sản từ NT ra thành thị” - ông Thức nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GT-VT cho biết, hiện nay, khoảng 500km của 16 tuyến TL, vốn được xây dựng từ thập niên 1990, nay đã xuống cấp. Cùng với đầu tư, nâng cấp các tuyến trọng điểm, sở quan tâm duy tu, sửa chữa các tuyến còn lại nhằm đảm bảo an toàn GT và kết nối với các tuyến đường NT. Để phát huy kinh tế biên mậu, sở đã và đang đầu tư các tuyến đường ra biên giới, đồng thời triển khai các tuyến đường đối ngoại để kết nối thông suốt với các tỉnh khác. Hiện nay, việc kết nối An Giang - Kiên Giang có 3 tuyến chính là: TL 960 Thoại Giang - Xã Diễu (đang xây dựng), tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy và tuyến Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên (N1) đã hoàn thiện. “Sở đang triển khai giai đoạn II của tuyến TL 955A (dài 21km, đã xây dựng 8km), đoạn Nhà Bàng - Châu Đốc nhằm kết nối TP. Châu Đốc với Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Tịnh Biên và tuyến N1 đi Hà Tiên. Công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2018, vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng, phục vụ kinh tế biên mậu, vừa hoạt động song song để giảm tải cho QL 91”- ông Thức phân tích. Đối với kết nối An Giang - Kiên Giang theo trục ngang, còn có tuyến TL 945 Vịnh Tre - Hòn Đất, nối QL 91 (An Giang) xuống đường hành lang ven biển Kiên Giang. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng.

Tạo động lực phát triển

Cùng với CKQT Tịnh Biên, An Giang còn có CKQT Vĩnh Xương (TX.Tân Châu), CK quốc gia Khánh Bình (An Phú) và một số CK phụ. Huyện An Phú đang tập trung thi công tuyến TL 957 dài 35km nhằm kết nối cầu Long Bình - Chray Thum xuống Châu Đốc, qua Tịnh Biên - Hà Tiên. Đồng thời, tuyến QL 91C cũng được đẩy nhanh tiến độ để cùng TL 957 giải quyết nhu cầu vận tải đường bộ lên vùng biên giới An Phú. Trong khi đó, các tuyến đường kết nối CKQT Tịnh Biên và Vĩnh Xương đã thông suốt. Phấn đấu trong quý I-2018, Sở GT-VT sẽ phối hợp xử lý dứt điểm vướng mắc trong xây dựng cầu Tân An. Khi cầu Tân An hoàn thành, Bộ GT-VT sẽ quy hoạch tuyến QL 80B, trong đó có 100km qua địa phận An Giang, nối thẳng Vĩnh Xương đến cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp). Phà Thuận Giang (nối Phú Tân - Chợ Mới) cũng được nâng cấp theo để tương xứng. “Giai đoạn 2018-2020, Sở GT-VT sẽ tập trung quyết liệt cho các tuyến đường đấu nối. Song song với thi công cầu Châu Đốc, tuyến Tân Châu - Hồng Ngự cũng được đầu tư để đấu nối vào cầu Châu Đốc và tuyến N1. Công trình dự kiến khởi công quý I-2018 và hoàn thành sau 24 tháng. Từ năm 2020 sẽ vận hành đấu các huyện cù lao với QL 91. Khi đó, đường hành lang ven biển Kiên Giang sẽ nối vào trục ngang Hòn Đất - Vịnh Tre (TL 945), nối tiếp vào QL 80B thông qua kênh Thần Nông, tạo động lực phát triển kinh tế đối ngoại với các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp” - ông Thức phân tích.

Sở GT-VT đang đốc thúc nhà thầu sớm hoàn thiện 5km còn lại trên tuyến TL 941 (dài 39km). Tuyến đường này không những giúp rút ngắn thời gian từ trung tâm TP. Long Xuyên đến Tri Tôn, mà còn kết nối Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành), Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ tỉnh với vùng Tứ giác Long Xuyên và các khu DL trọng điểm. TL 941 vừa giúp giảm tải cho QL 91, vừa phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giám đốc Sở GT-VT Ngô Công Thức cho biết, tới đây, sẽ có thêm công trình giúp giảm tải cho QL 91 là tuyến đường tránh TP. Long Xuyên. Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành và chủ đầu tư sớm triển khai thi công. Dự kiến, sau khi vận hành vào quý II-2020, tuyến tránh TP. Long Xuyên sẽ kết nối QL 91 trên địa bàn An Giang vào cầu Vàm Cống đi TP. Hồ Chí Minh, vào QL 91 đi Cần Thơ và QL 80 đi Kiên Giang, trở thành cửa ngõ quan trọng nối TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL vào An Giang.

“Khi cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, Tân An, Châu Đốc đưa vào hoạt động, đường tránh TP. Long Xuyên và các tuyến trục ngang, trục dọc, đường ra biên giới hoàn thành, các hướng kết nối vào An Giang sẽ thông suốt, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nhất là 2 lĩnh vực mũi nhọn là DL và NN” - ông Ngô Công Thức kỳ vọng.

 

NGÔ CHUẨN