Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫy tay chào người dân gần Làng Hoàng gia Hayama ở tỉnh Kanagawa ngày 21-1-2019. Ảnh: AFP
Triều đại Heisei hiện tại bắt đầu từ năm 1989, khi Thái tử Akihito đăng quang thay thế Nhật hoàng Hirohito, người cầm quyền trong suốt Triều đại Showa và ngày nay còn nổi tiếng với tên gọi Hoàng đế Showa.
Tới đây, Nhật hoàng Akihito sẽ trở thành người đứng đầu vương triều Nhật Bản đầu tiên trong vòng 200 năm qua sẽ chính thức thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Thái tử Naruhito. Theo kế hoạch, Thái tử Naruhito sẽ trở thành Hoàng đế Nhật Bản thứ 126 vào ngày 1-5.
Các triều đại mang nhiều ý nghĩa hơn là việc chỉ ra ai đang là Hoàng đế. Chẳng hạn, một triều đại còn là nền tảng của hệ thống lịch Nhật Bản: năm 2018 là năm Heisei 30, tức là 30 năm sau khi bắt đầu triều đại.
Mặc dù hệ thống triều đại hiện tại thường gắn liền với sự trị vì của các hoàng đế Nhật, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Trong quá khứ, Nhật Bản từng công bố các triều đại mới để đánh dấu một khoảnh khắc hay sự kiện lịch sử. Triều đại Ansei, bắt đầu vào ngày 27-11-1854 theo Công lịch, đã ra đời sau một loạt thảm họa thiên nhiên và vụ hỏa hoạn lớn tại cung điện. Từ “Ansei” có nghĩa là “chính quyền yên bình” nhằm thể hiện mong muốn về một thời kỳ thanh bình.
Tên của các triều đại ở Nhật Bản cũng có thể mang ý nghĩa chính trị. Triều đại Showa, có thể được dịch nghĩa là “thời kỳ nước Nhật cấp tiến”, đã mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phát xít Nhật, khi quân đội dưới lá cờ “Mặt trời mọc” đã xâm chiếm nhiều quốc gia láng giềng. Chính sách này còn được gọi là Chủ nghĩa dân tộc Showa.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton lắng nghe Nhật hoàng Akihito phát biểu khi ông có chuyến thăm Mỹ vào ngày 13-6-1994. Ảnh: AFP
Người Nhật thường có sự đồng cảm lớn với triều đại khi họ đang sống, và việc đặt tên của một triều đại mới là một quy trình cực kỳ quan trọng.
Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ quyết định tên của triều đại mới vào ngày ¼ tới, sau đó sẽ công bố với người dân. Hiện tại thông tin về những tên triều đại đang được xem xét, lựa chọn cũng được giữ kín.
Hôm 24-3 vừa qua, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga phát biểu với các phóng viên rằng, tên của các học viện và chuyên gia đang tư vấn cho chính phủ về đặt tên triều đại, cũng như “tác giả” của tên triều đại được chọn sẽ không được công bố.
Sự kiên “Y2K Nhật Bản”
Các quan chức Chính phủ Nhật Bản thảo luận việc Nhật hoàng thoái vị. Ảnh: AFP
Trong khi việc đặt tên triều đại mới sẽ chủ yếu mang tính biểu tượng, đây cũng là thời điểm nước Nhật bước sang một trang mới, một cuộc chuyển tiếp có thể đối mặt với một thách thức kỹ thuật cấp bách hơn.
Hãng Microsoft đã cảnh báo rằng các phần mềm máy tính Nhật Bản, chủ yếu được viết dưới Ttriều đại Heisei, có thể đối mặt với sự cố Y2K, bởi các năm theo lịch Nhật Bản được mô tả bằng tổ hợp tên năm và tên triều đại.
Sự cố Y2K từng là mối lo ngại lớn vào những năm gần bước sang thiên niên kỷ thứ ba hiện tại. Trong thế kỷ 20, nhiều chương trình máy tính đã rút gọn tên năm với 4 chữ số xuống chỉ còn 2 chữ số cuối, như 1989 thì viết thành 89, do đó các máy tính sẽ không thể phân biệt được giữa năm 2000 và 1900.
Theo đài NHK, cuộc thăm dò dư luận hồi tháng trước cho thấy khoảng 20% các công ty đã không kiểm tra xem hệ thống lịch trong phần mềm của họ sử dụng lịch Nhật Bản hay quốc tế. Các quan chức cảnh báo rằng sự thiếu chuẩn bị này có thể dẫn đến việc các phần mềm không nhận diện được ngày tháng và nguy cơ lỗi xử lý dữ liệu.
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)