VHNT góp phần quan trọng giáo dục, động viên quần chúng nhân dân, bồi đắp lòng yêu nước, nêu cao các giá trị chân - thiện - mỹ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã khẳng định: “Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân…”.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, đời sống VHNT thời gian qua cũng nổi lên những vấn đề đáng quan tâm, xuất hiện một số văn nghệ sĩ tuyên truyền lối sống thực dụng, vị kỷ, thích hưởng thụ, coi trọng giá trị vật chất, tiêm nhiễm cái xấu trong đời sống xã hội. Từ đó, khiến cho không ít bạn trẻ mất phương hướng sống và không còn đặt niềm tin vào những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có những văn nghệ sĩ còn lợi dụng sự dễ dãi, thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng để thổi phồng bản thân, coi thường pháp luật, chi phối đời sống giải trí… Đáng lo hơn, có những kẻ a dua, phụ họa, thậm chí trở cờ, quảng bá những tác phẩm chống chế độ, xuyên tạc nhằm hạ uy tín của Đảng, nhà nước và của một số lãnh đạo cách mạng tiền bối. Có kẻ tôn vinh những đối tượng đã và đang chống lại, đi ngược đường lối cách mạng của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước dưới chiêu bài đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”.
Văn nghệ sĩ tại An Giang cần tích cực đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn hóa
Tiêu biểu cho trường hợp này là cái gọi là “Văn đoàn độc lập”, với những Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái, Hoàng Hưng, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập… Núp bóng dưới danh xưng “hoạt động vì nghệ thuật”, các thành viên của “Văn đoàn độc lập” thường xuyên viết, soạn thảo, đăng tải, chia sẻ trên Internet các bài viết có nội dung bôi nhọ lãnh tụ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Họ còn tuyên truyền, kích động nhân dân chống lại chính quyền, chống lại chế độ; xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, vu cáo, bôi đen thực tế xã hội và thực trạng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Đáng chú ý, “Văn đoàn độc lập” đã thành lập website lấy tên là “Văn Việt” nhằm mục đích đăng tải những tác phẩm sáng tác trước năm 1975, để hợp pháp hóa những bài viết phản động của các thành viên và là diễn đàn cho những phần tử xấu hoạt động, thường xuyên đăng tải những bài viết xuyên tạc tình hình đất nước. Ngoài ra, “Văn đoàn độc lập” còn tự tổ chức trao giải thưởng “chui” cho những thành viên của mình theo kiểu “tự hát, tự vỗ tay khen hay”, mà không dám công bố rộng rãi, công khai như các loại giải thưởng khác.
Trước sự lệch lạc của một bộ phận văn nghệ sĩ trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách đúng đắn đến những người làm việc trên lĩnh vực VHNT với nội dung phong phú, đa dạng. Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước về văn hóa. Đây là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong lĩnh vực VHNT. Đồng thời, phát huy vai trò của các đảng bộ, chi bộ ở các hội VHNT trong việc lãnh, chỉ đạo hoạt động của hội viên. Các cơ quan quản lý nhà nước, các hội, chi hội tăng cường quản lý hoạt động sáng tác, biểu diễn, xuất bản.
Về lâu dài, cần có quy định, chế tài cụ thể để gắn các văn nghệ sĩ với trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các văn nghệ sĩ trong việc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong lĩnh vực VHNT. Một nhà nghiên cứu đã từng nói: “Chỉ có những người đã từng chấn hưng đạo đức nơi bản thân, mới có thể lãnh việc chấn hưng xã hội. Các văn nghệ sĩ là người của công chúng, thường có lượng độc giả, khán giả lớn nên có tầm ảnh hưởng với xã hội. Do đó, họ dễ gây ảnh hưởng xấu cho xã hội nếu có những tư tưởng, hành động lệch lạc”.
Để khẳng định vai trò của mình, văn nghệ sĩ phải luôn giữ chính kiến cá nhân đúng đắn, không để bị lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc. Ngoài ra, phải tích cực tuyên truyền, định hướng cho độc giả, khán giả những thông tin có nội dung đúng đắn, tích cực, không lợi dụng uy tín để lôi kéo người khác vào những hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật.
Với những văn nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí tại An Giang, cần nhận diện và đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn hóa nói chung và VHNT nói riêng. Không tham gia tuyên truyền, cổ súy, chia sẻ những nội dung, luận điệu xuyên tạc của những cá nhân lệch lạc tư tưởng, biến chất, chống phá Đảng, nhà nước trên mạng xã hội.
Đồng thời, tiếp tục có những sáng tác hay, tác động tích cực đến xã hội, luôn đồng hành với Đảng, nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nền VHNT cách mạng, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ đích thực, đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho văn nghệ sĩ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
M.Q