Đáng chú ý, trong Nghị định 147 có bổ sung nhiều quy định, áp dụng cả với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới vào Việt Nam.
Cụ thể, Nghị định 147 có quy định về việc chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm.
Nghị định cũng quy định việc xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Không chỉ vậy, các chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội được yêu cầu chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm.
Các mạng xã hội phải kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật, công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng,...
Trao đổi với VietNamNet về các quy định mới xoay quanh Nghị định 147, ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech, cho hay việc Chính phủ đưa ra các quy định khắt khe để quản lý việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng là vô cùng cần thiết.
Theo ông Tuấn Anh, thời gian qua, có thể thấy nhiều trường hợp người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng cũng vi phạm pháp luật, thậm chí phải vào tù do có những hành vi không chuẩn mực trên mạng xã hội.
Đó là do lâu nay trên mạng xã hội không có sự định danh, mọi người tự do thoải mái nói về bất kỳ điều gì, từ đó hình thành nên thói quen xấu.
Vị chuyên gia này cho rằng, các yêu cầu về việc chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm hết sức quan trọng bởi nó sẽ góp phần giải quyết nạn tin giả, giúp người dùng Internet tránh được các rủi ro lừa đảo.
Đồng thời, quy định mới cũng khiến mỗi cá nhân phải có trách nhiệm hơn với lời nói của mình, rộng hơn là tạo ra văn hóa ứng xử văn minh trên mạng xã hội.
Việc các nền tảng lưu trữ thông tin người dùng cũng sẽ hỗ trợ công việc điều tra của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, trong quá trình thực hiện các quy định mới, sẽ có những thách thức cần quan tâm về vấn đề bảo mật thông tin, nhất là đối với các nền tảng xuyên biên giới, hoạt động ở nhiều quốc gia với các chính sách bảo mật thông tin và bảo vệ người dùng khác nhau.
Chia sẻ thêm góc nhìn, bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng Giám đốc Cốc Cốc, cho hay việc quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới là cần thiết để duy trì môi trường kinh doanh hợp pháp và cạnh tranh công bằng.
“Nghị định 147 đã đề ra các quy định tổng thể và giải pháp tương đối toàn diện để quản lý hoạt động này, trong đó nhấn mạnh cơ chế báo cáo vi phạm và triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam”, bà Oanh nhận định.
Theo Phó Tổng Giám đốc Cốc Cốc, nếu được thực thi hiệu quả, các cơ chế và giải pháp trong Nghị định 147 không chỉ giúp bảo vệ chủ quyền số quốc gia, bảo vệ người dùng mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp nội địa phát triển.
Các sản phẩm và nền tảng trong nước sẽ có cơ hội khẳng định mình, thay vì phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định.