Khơi dậy tiềm năng, đồng hành cùng phát triển

17/12/2024 - 06:40

 - Với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực dồi dào, An Giang đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Tỉnh đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển.

Tiềm năng vàng, chính sách xanh

An Giang nằm ở vị trí giao thương quan trọng, giáp với Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa và đầu tư vào các dự án liên kết vùng. Tỉnh sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc, đất phù sa màu mỡ, rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh và người dân có truyền thống cần cù, chịu khó. Những năm gần đây, hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, kết nối An Giang với các tỉnh, thành phố lân cận và các cảng biển lớn, như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; cầu Châu Đốc; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư, như: Giảm thuế, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về đất đai. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như: Chế biến nông sản, thủy sản, trồng trọt các loại cây ăn trái, hoa màu; phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. “Với những lợi thế vượt trội và sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, DN” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu về đặc sản An Giang

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, An Giang đã thành lập các cơ quan chuyên trách hỗ trợ DN, cung cấp thông tin, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng. Trong 11 tháng năm 2024, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều khó khăn do cả nước đang trong quá trình hình thành quy hoạch các cấp, các nhà đầu tư chờ đợi các cơ chế, chính sách mới ban hành để nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 1.136 DN đăng ký DN mới và quay trở lại hoạt động có tăng. Trong đó, 885 DN đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 6.095 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, toàn tỉnh hiện có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tổng vốn thực hiện 178 triệu USD (chiếm 68,19% tổng vốn đầu tư đăng ký), tạo việc làm cho 16.800 lao động.

Trong năm, tỉnh tổ chức Hội nghị họp mặt DN, tạo cơ hội để lãnh đạo tỉnh và DN gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu. Nhờ đó, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của DN để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, thúc đẩy phát triển. Trong tháng 11/2024, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang, tại TP. Hồ Chí Minh; Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2024 - 2025...

“Việc tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm hiểu về môi trường kinh doanh và cơ hội hợp tác tại An Giang. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ DN được ban hành và triển khai hiệu quả, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và cạnh tranh. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, DN thành công và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết.

Cam kết đồng hành với doanh nghiệp

“Tỉnh An Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới là “lấy người dân, DN làm đối tượng phục vụ”, “đồng hành cùng DN”, “phục vụ DN” là phương châm hoạt động của các cấp, ngành. An Giang đã và đang nỗ lực thay đổi toàn diện, căn bản môi trường đầu tư, bảo đảm để nhà đầu tư, DN “đến là làm”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và sự phát triển ổn định” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.

Theo đó, thời gian tới, An Giang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, năng lượng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung. Hoàn thiện các nội dung cam kết đầu tư và tổ chức hướng dẫn, thông tin đầy đủ cho DN, nhà đầu tư quan tâm đầu tư tại tỉnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút các dự án về hạ tầng khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu, khu đô thị, nhà ở xã hội; thương mại dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến chuyên sâu, chế biến tinh gắn với vùng nguyên liệu tập trung của tỉnh. Kịp thời hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các DN, nhất là những mặt hàng chủ lực nhằm phát triển thị trường mới và kịp thời thông tin các cảnh báo, tháo gỡ rào cản đối với các mặt hàng xuất khẩu.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ và phát triển DN. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, ổn định. Tạo điều kiện tốt cho các dự án, đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho DN khởi nghiệp… Qua đó, nhằm hiện thực hóa mục tiêu Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia...

THU THẢO