Khởi nghiệp từ sản phẩm dược liệu

11/09/2019 - 06:43

 - Thấy được tiềm năng phát triển dược liệu ở núi Cấm, chị Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Thảo An Khang (TP. Long Xuyên) đã nảy sinh ý tưởng liên kết với cư dân địa phương trồng cây xạ đen. Với ý tưởng này, chị Phượng mong muốn có thể giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập từ việc trồng dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn dược liệu quý, người tiêu dùng được thưởng thức một sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe.

Là doanh nghiệp mới bắt tay vào khởi nghiệp chưa lâu, nhưng từ những ngày đầu, chị Phượng đã xác định tiêu chí hoạt động của mình là “Doanh nghiệp vì cộng đồng”. Đầu tiên, chị Phượng hình thành ngay ý tưởng “Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu quả tại An Giang”. Được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu và thổ nhưỡng của núi Cấm có nhiều loại dược liệu quý nhưng chưa được thương mại hóa, chưa có mô hình kinh doanh cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu tại đây. Nhìn thấy được lợi thế đó, Công ty TNHH TMDV Thảo An Khang đã từng bước hiện thực hóa ý tưởng của mình với quy mô nhỏ và sẽ dần điều chỉnh theo hướng thích hợp. “Bằng mô hình nông - lâm kết hợp, chúng tôi phối hợp ngành kiểm lâm của tỉnh, kết nối với những người dân giữ rừng, trồng dược liệu xen vào những tán rừng, góp phần tạo nên sinh kế cho người dân bảo vệ rừng, nhằm hình thành vùng nguyên liệu sạch, không thuốc bảo vệ thực vật cung cấp cho công ty. Từ những nguyên liệu đó công ty phát triển thành những sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường”- chị Phượng thông tin.

Trà xạ đen Thảo An được giới thiệu và phân phối ở nhiều tỉnh thành trong cả nước

Là người trải nghiệm trực tiếp sản phẩm, bản thân chị Phượng thấy được hiệu quả cho sức khỏe nên chọn cây xạ đen làm sản phẩm khởi nghiệp của bản thân. Ban đầu chị Phượng thu cây dược liệu về sơ chế, tạo thành sản phẩm trà thô đóng gói cho ra thị trường và được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Đối với nguyên liệu cây xạ đen sẽ được trồng theo hướng hữu cơ, không hóa chất nên rất an toàn. Sau khi thu hoạch, cây xạ đen không phơi mà được đem sấy lạnh ngay nhằm đảm bảo dược tính nội tại của cây xạ đen, cũng như giữ được màu xanh và mùi thơm của lá xạ đen. “Hiện các dự án trồng và phát triển dược liệu triển khai tại An Giang phần lớn chỉ dừng lại ở chuyện cung cấp nguyên liệu bán sản phẩm thô. riêng dự án của chúng tôi không dừng lại ở nguyên liệu thô mà hướng đến sản phẩm hoàn thiện, để có thể cung cấp trực tiến đến người tiêu dùng”- chị Phượng cho biết.

Chị Phượng xúc tiến tìm kiếm thị trường nước ngoài cho thương hiệu Trà xạ đen Thảo An

Không dừng lại ở đó, chị Phượng còn năng động hơn khi tiếp tục phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Trường Đại học An Giang nghiên cứu và tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới như: trà túi lọc, trà hòa tan… “Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng sử dụng trà xạ đen Thảo An như nước uống hàng ngày giúp cơ thể phòng bệnh một cách chủ động trước tác động tiêu cực của môi trường và nhịp sống hiện đại ngày nay”- chị Phượng mong muốn. Việc tham gia các hội thảo, hội chợ do Sở Công thương, Hội Nông dân, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tổ chức giúp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trực tiếp được tốt hơn. “Điều vui nhất của mình đến lúc này là nhận được các phản hồi tích cực từ khách hàng ở các tỉnh, thành phố. Khách hàng sau khi sử dụng đều cho biết cải thiện được giấc ngủ ngon hơn, kích thích vị giác, ăn ngon hơn... Đó là điều mình mong muốn nhất khi cho ra sản phẩm trà xạ đen Thảo An”- chị Phượng phấn khởi. Có được nguồn nguyên liệu sạch, ổn định, chị Phượng đã và đang dần xây dựng thương hiệu trà xạ đen Thảo An đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Việc doanh nghiệp kết hợp với người dân triển khai trồng cây dược liệu trên núi là hướng đi mới, được ngành kiểm lâm khuyến khích. Khi có sự liên kết và tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp bảo tồn, phát triển các giống cây dược liệu quý, vừa tăng thu nhập cho cư dân vùng núi để họ yên tâm giữ rừng. Bên cạnh đó, một sản phẩm đặc trưng cho An Giang, khẳng định thêm thương hiệu dược liệu An Giang.

Cây xạ đen còn gọi là cây bách giải, cây ung thư. Xạ theo tiếng Mường có nghĩa là gan, đen là dịch mà cây tiết ra có thể hỗ trợ chức năng gan, trong xạ đen có các hoạt chất: Flavonoid; Saponin Triterpenoid, Quinone. Theo nhiều nghiên cứu, cây xạ đen có công dụng hỗ trợ chức năng gan: làm giảm men gan, giảm lượng mỡ máu. Ngoài ra, còn giúp thanh lọc cơ thể, ổn định huyết áp, an thần ngủ ngon, hỗ trợ và phòng, chống bệnh ung thư...


ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích