Khởi nghiệp với nghề may thảm và trang trí heo đất

04/10/2022 - 07:12

 - Lựa chọn khởi nghiệp từ may thảm chân cho đến trang trí heo đất, chị Nguyễn Thị Mai Giàu (xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Các sản phẩm được chị Giàu làm ra khá đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, ngày càng chinh phục được thị trường. Đây còn là mô hình khởi nghiệp mới, hiệu quả tại địa phương.

Chị Giàu với những tấm thảm chân do chính mình làm ra

Vốn có nghề may, sau khi lập gia đình, chị Nguyễn Thị Mai Giàu lựa chọn việc may thảm chân bằng vải để kiếm thêm thu nhập. Nhờ nghề này đã giúp gia đình chị trang trải cuộc sống.

Nghề may thảm nhìn tuy dễ, nhưng để làm nên một sản phẩm vừa đẹp, bền thì lại khó. Bởi hầu hết các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và đặc biệt là sự cần cù, chăm chỉ của người thợ… Trải qua nhiều công đoạn, từ những miếng vải, qua đôi bàn tay của chị Giàu đã “hô biến” thành những chiếc thảm lau chân nhiều hình dạng, kích thước.

Không giống như sản phẩm trên thị trường, chị Giàu chọn vải thun thay cho vải nỉ. Lý do chọn chất liệu này, chị Giàu cho biết, vải thun dù giá cao nhưng sản phẩm làm ra đạt chất lượng, thẩm mỹ hơn, thời gian sử dụng lâu hơn. Ngoài ra, chất liệu này có nhiều lựa chọn về màu sắc nên có thể thiết kế nhiều sản phẩm đẹp hơn.

Nhờ sự nhạy bén, ham học hỏi, các sản phẩm của chị Giàu có màu sắc khá đa dạng, bắt mắt. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu được lấy từ những cơ sở uy tín nên sản phẩm làm ra đẹp, bền với thời gian. Các sản phẩm thảm chân của chị Giàu bán chủ yếu ở các cửa hàng tạp hóa tại địa phương, giá bán từ 15.000-80.000 đồng/sản phẩm, tùy kích thước, chủng loại, hình dáng…

Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ thảm chân có dấu hiệu chững lại, do vậy chị Giàu quyết định “lấn sân” sang công việc trang trí heo đất. Công việc này hiện nay đang phát triển, sản phẩm làm ra đa dạng chủng loại, màu sắc, hình dáng hơn các sản phẩm truyền thống.

Chị Giàu cho biết, cơ duyên đến với nghề trang trí heo đất rất tình cờ. Trước đây, gia đình chị có người chuyên đi mua heo đất (đã sơn màu) ở tỉnh Bình Dương về phân phối cho các cửa hàng tạp hóa trong và ngoài địa phương. Thấy nhu cầu về sản phẩm này khá nhiều, đặc biệt là trong dịp Tết, gia đình chị bàn với nhau ra tận nơi sản xuất để mua sản phẩm thô rồi sơn, trang trí để bán kiếm thêm thu nhập. Từ ý tưởng đó, chị Giàu đã thống nhất với gia đình, quyết định chọn hướng đi này để phát triển kinh tế.

Chị Giàu cho biết, các sản phẩm thô mua về phải được lựa chọn kỹ càng, làm sạch, đánh bóng, gia công phủ màu rồi vẽ trang trí. Thời gian đầu tiếp cận với công việc trang trí heo đất, do chưa nắm bắt thị hiếu khách hàng nên những sản phẩm làm ra còn đơn giản, chưa bắt mắt, giá cả chưa phù hợp. Nhưng với sự kiên trì cùng sự đam mê, chị đã nỗ lực tạo ra sản phẩm riêng và phát triển mới thị trường.

Chị Giàu chia sẻ: “Thời gian đầu, mình chỉ vẽ, tạo hình những nét đơn giản, như: Hoa, lá, má hồng, xoắn ốc… Thấy thị trường chưa đánh giá cao, mình tham khảo thêm các mẫu mã, cách trang trí trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… rồi cải tiến, áp dụng cho các sản phẩm của mình. Cũng từ đó, sản phẩm ngày càng được thị trường ưa chuộng”. 

Bên cạnh các sản phẩm heo truyền thống, chị Giàu còn tìm kiếm các mô hình, sản phẩm heo đất, thú cưng lạ lẫm với nhiều hình dáng, kích thước, như: Hello Kitty, Doreamon, Minion, gấu… đáp ứng nhu cầu về tính đa dạng và sở thích của khách hàng, đặc biệt là các “thượng đế” nhí. Với công việc này, trong 1 ngày, chị Giàu hoàn thành khoảng 50-60 con heo đất các loại. Tùy kích cỡ, heo đất có giá bán từ 8.000-40.000 đồng/con.

Ngoài số heo đất được trang trí sẵn từ ý tưởng, chị Giàu còn vẽ theo yêu cầu của khách hàng, như: Khắc tên, logo, lời nhắn, tên ngành, đơn vị… và có giá bán từ 50.000-60.000 đồng/con. Sản phẩm độc đáo và giá thành “mềm” giúp chị ngày càng tăng thêm lượng hàng.

Trang trí heo đất

Sản phẩm heo đất của chị Giàu đã tự tin bước ra thị trường, với nhiều mẫu mã, màu sắc tươi sáng… “Hiện nay, heo đất đang bị cạnh tranh. Tuy nhiên, nhờ sản phẩm được trang trí mới lạ, bắt mắt nên thị trường ưa chuộng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này để tăng thu nhập cho gia đình” - chị Giàu thông tin.

Hiện nay, gia đình chị Giàu đang phát triển đồng thời 2 sản phẩm là thảm chân và heo đất. Ngoài tiêu thụ tại chỗ, gia đình chị Giàu còn đến các cửa hàng tạp hóa ở địa phương để chào bán sản phẩm. Không dừng lại ở đó, chị Giàu luôn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường.

ĐỨC TOÀN