Thoát nghèo với nghề mộc
Anh Hồ Thanh Tuấn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Không có đất canh tác, cha mẹ làm thuê, làm mướn để lo cho 4 người con ăn học. Khi hoàn thành xong bậc học THCS, anh Tuấn phải nghỉ học để phụ giúp gia đình và lo cho em trai tiếp tục đến trường. Nhận thấy ở địa phương có nghề mộc truyền thống nên anh quyết tâm theo học. Nhờ tính cần cù, ham học hỏi nên anh đã sử dụng thành thạo các dụng cụ, máy móc làm nghề và ráp được tủ, bàn, ghế với mọi kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng.
Với mức lương trên 6.000.000 đồng/tháng đã tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp anh Tuấn vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, anh Tuấn mạnh dạn đầu tư máy móc, các trang thiết bị phục vụ nghề mộc, đồng thời thuê mặt bằng để thành lập cơ sở mộc cho riêng mình. Thời gian đầu, cơ sở của anh Tuấn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vốn, kinh nghiệm trong sản xuất như: sự hiểu biết về giá cả các loại gỗ; thị trường chưa có đầu ra ổn định...
Không nản lòng, anh tiếp tục kiên trì đeo bám nghề, đồng thời tìm tòi, nghiên cứu, trau dồi kỹ thuật từ những người đi trước, tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội... Nhờ vậy, sản phẩm mộc của gia đình anh Tuấn có độ tinh xảo cao, mẫu mã đẹp được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm mộc của gia đình anh đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong tỉnh cũng như tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình anh từ 80-90 triệu đồng/năm.
Nhờ cần cù, chịu khó, anh Tuấn đã vượt qua khó khăn bằng nghề mộc
Gương sáng của thanh niên vượt khó
Dù bận rộn công việc, vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa chăm lo cuộc sống gia đình nhưng anh Tuấn vẫn dành thời gian cho các hoạt động xã hội ở địa phương. Đặc biệt, anh Tuấn chủ động liên hệ, phối hợp Ban Chấp hành Đoàn thị trấn, Trường Trung cấp Nghề huyện Chợ Mới, Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn mở các lớp dạy nghề mộc cho thanh niên ở địa phương.
Chia sẻ về việc làm ý nghĩa của mình, anh Tuấn kể: “Trải qua thời gian đầu vất vả lập nghiệp nên hơn ai hết, tôi hiểu rõ những khó khăn mà thanh niên gặp phải trong quá trình học nghề, rèn luyện, tìm kiếm việc làm để lập thân, lập nghiệp. Năm 2011, sau khi học nghề tại địa phương, tôi đi Bình Dương tìm kiếm việc làm. Thời điểm đó, mặc dù có tay nghề nhưng không có bằng cấp nên nhiều công ty không tin tưởng vào tay nghề của mình, phải thực hành họ mới chịu nhận. Thấy ở địa phương có nhiều người gặp hoàn cảnh giống mình nên sau khi thành lập cơ sở, tôi đứng ra mở các lớp dạy nghề cho thanh niên”.
Từ năm 2017 đến nay, anh Tuấn đã phối hợp mở 2 lớp sơ cấp mộc cho khoảng 80 học viên. Sau khi hoàn thành chương trình học, các học viên được cấp Chứng chỉ sơ cấp mộc gia dụng. Khi có chứng chỉ này, học viên có thể đi làm ở các cơ sở mộc trong và ngoài tỉnh dễ dàng. Hiện nay, nhiều học viên đã có việc làm ổn định trong và ngoài địa phương, thu nhập bình quân mỗi người từ 6-6,5 triệu đồng/tháng. Nhiều học viên không tìm được việc làm, anh Tuấn hỗ trợ giới thiệu làm việc cho các cơ sở trong và ngoài địa phương.
Bí thư Đoàn thị trấn Mỹ Luông Nguyễn Hải Yến nhận định: anh Hồ Thanh Tuấn là thanh niên siêng năng, có chí cầu tiến, vượt khó. Không chỉ tìm được nghề phù hợp với bản thân và tạo thêm thu nhập cho gia đình, anh còn nhiệt tình với công tác Đoàn và các phong trào do địa phương phát động, xứng đáng là tấm gương điển hình để các bạn đoàn viên noi theo.
ĐỨC TOÀN