Vợ, chồng anh Lê Văn Tính, Lê Thị Diễm (ngụ ấp An Khương, xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) trình bày: “Biết anh Huỳnh Văn Giàu (sinh năm 1968) và vợ là Huỳnh Thị Nưng (sinh năm 1969, ngụ ấp An Lạc) có nhu cầu bán đất ở Tỉnh lộ 944, chúng tôi đến hỏi mua. Thỏa thuận xong, chúng tôi mua mảnh đất diện tích ngang 13,5m, dài 28m với giá 38 triệu đồng. Hợp đồng mua bán có sự làm chứng, thị thực của 2 người vào năm 2002. Tôi đề nghị anh Giàu đưa giấy chứng nhận QSDĐ để chuyển chủ quyền. Anh nói vài ngày sẽ đưa, hứa hẹn nhiều lần rồi nói “giấy đỏ” bị mất, đang làm lại, khi nào xong sẽ thông báo tôi đến lấy.
Do chỗ quen biết, đất mua lại gần nhà anh ruột nên tôi an tâm. Ngày 10-10-2007, do cần tiền xoay sở, chúng tôi cắt đất bán (diện tích ngang 6m, dài 28m) với giá 40 triệu đồng cho gia đình bà Nguyễn Thị Khánh Hòa (ngụ ấp An Thái, xã Hòa Bình, Chợ Mới). Bà Hòa giờ chung cảnh ngộ như tôi: vợ, chồng ông Giàu bỏ địa phương, vay tiền ngân hàng số tiền gốc, lãi gần 210 triệu đồng, không thanh toán, đang bị ngân hàng phát mãi”.
Phần đất đang tranh chấp giữa các hộ dân
Bà Hòa cho biết: “Tôi mua đất từ vợ, chồng ông Tính, do có nhu cầu cất nhà. Nghe nói “giấy đỏ” của ông Giàu bị mất, đang làm lại, khi nào xong họ sẽ thông báo cho tôi cùng đi sang tên, nên tôi chấp thuận.
Tuy nhiên, gần đây tôi biết tin ông Giàu bỏ địa phương đi đâu không rõ. Trước khi đi, ông vay tiền ngân hàng, không khả năng thanh toán, bị phát mãi tài sản. Ảnh hưởng quyền lợi, chúng tôi kêu cứu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung Huỳnh Ngọc Cường thông tin: “Vợ, chồng ông Giàu, bà Nưng sang nhượng đất cho vợ, chồng ông Tính, bà Diễm, sau đó hộ này bán lại một phần đất cho bà Hòa. Các hộ mua bán tự làm hợp đồng, không theo thủ tục quy định và không chuyển QSDĐ.
Khi phát sinh thiệt thòi về quyền lợi, các hộ tranh chấp, đòi chủ quyền, nhưng không gửi đơn khiếu nại đến địa phương, nên chúng tôi chưa rõ. Tuy nhiên, địa phương sẽ cho nắm lại sự việc”.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Trưởng ban Nhân dân ấp An Lạc thông tin: “Đất này trước đây là của gia đình vợ, chồng ông Giàu, bà Nưng. Họ nuôi vịt đàn không hiệu quả nên bỏ địa phương đi từ lâu. Vừa qua, Thừa phát lại, cơ quan chuyên môn đến ghi nhận, làm thủ tục để phát mãi tài sản.
Lúc này, gia đình bà Diễm, ông Tính đến ngăn cản, không cho thực hiện. Từ đó họ mới vỡ lẽ, biết được ông Giàu vay tiền ở ngân hàng, không thanh toán nên bị kê biên đất, trong đó có phần đất đã bán cho bà Diễm. Vụ việc đang tranh chấp, bà Diễm khởi kiện ra tòa án, còn người mua lại một phần của bà Diễm cũng làm đơn khiếu nại đòi lại đất”.
Thực tế, rất nhiều trường hợp mất tiền, mất đất vì chậm trễ, lơ là trong giao dịch mua, bán bất động sản.
“Mặc dù hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Giàu, bà Nưng với ông Tính, bà Diễm chưa được công chứng, chứng thực của cơ quan thẩm quyền, nhưng về thực tế (năm 2002) các bên đã thực hiện xong một phần của hợp đồng.
Xét về pháp luật dân sự, việc các bên chưa thực hiện thủ tục về mặt hình thức của hợp đồng, chưa bị coi là vi phạm làm cho hợp đồng bị vô hiệu. Sau khi bán đất, ông Giàu phải làm thủ tục sang tên, tách thửa chuyển QSDĐ cho ông Tính, bà Diễm theo quy định và thỏa thuận.
Nhưng năm 2008, ông Giàu lại thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, trong đó có cả phần diện tích đất sang nhượng cho người khác là không đúng.
Việc làm này có ý gian dối, che giấu hành vi sai trái, gây thiệt hại đến quyền lợi của bên nhận sang nhượng đất, thậm chí kể cả bên nhận thế chấp tài sản là ngân hàng” - Luật gia Trần Ngọc Bản, Hội Luật gia tỉnh An Giang nhận định.
Bài, ảnh: N.R