Tín hiệu tích cực
Năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 4.627 cas mắc SXH (tăng 55,4% so năm 2016), còn TCM là 3.332 cas (tăng 43,5%). Nhờ nỗ lực triển khai sớm kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2018, tình hình dịch bệnh 2 tháng đầu năm được kéo giảm đáng kể, Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn cho biết, ghi nhận từ ngày 1-1 đến 1-3-2018, toàn tỉnh có 344 trường hợp mắc SXH (cùng kỳ 2017 là 516 cas), 119 trường hợp mắc TCM (cùng kỳ 235 cas), không có trường hợp tử vong. Ngoài 1 cas mắc thương hàn, các dịch bệnh khác như: tả, cúm A H5/N1, viêm não virus, sởi… đều không có ghi nhận trường hợp mắc.
Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, cần sự tham gia của cộng đồng
Dù dịch bệnh giảm mạnh nhưng ông Tuấn lưu ý không được chủ quan. Trong đó, SXH là bệnh lưu hành với sự hiện diện 03 tuýp huyết thanh trong cộng đồng, chỉ số muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình chưa hạ thấp ở mức an toàn cho phép, thời tiết thay đổi bất thường, số cas mắc SXH vào những tháng cuối năm 2017 giảm không đáng kể... nên nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Do đó, muốn khống chế và không để dịch SXH gia tăng, cần chủ động thực hiện phòng, chống ngay từ đầu với nhiều biện pháp quyết liệt, tích cực hơn như: tăng cường tuyên truyền cộng đồng, tích cực giám sát phát hiện và điều trị sớm cas bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời và có hiệu quả, thực hiện phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực nguy cơ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng… Đối với dịch TCM, trước tình hình dịch bệnh năm 2017 tăng so với 2016, hầu hết các địa phương đều tăng, nếu không chủ động thực hiện tốt các giải pháp chỉ đạo, chuyên môn, tuyên truyền, xử lý dịch sớm thì nguy cơ bệnh sẽ bùng phát thành dịch vào năm 2018 là rất cao.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thay đổi bất thường, một số dịch bệnh nguy hiểm khác đã xảy ra ở một số nước trong khu vực và trên thế giới như: cúm A (H5N1, H5N8, H7N9), Mer-CoV… Đồng thời, các dịch bệnh khác đã xảy ra ở các tỉnh lân cận như: Zika, liên cầu lợn, viêm não nhật bản B, sởi... nên nguy cơ xâm nhập vào địa bàn tỉnh An Giang rất lớn.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Ông Từ Quốc Tuấn cho biết, đối với dịch SXH, An Giang đề ra mục tiêu giảm số cas mắc xuống còn không quá 3.085 cas. Muốn vậy, 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1 điểm cố định giám sát định kỳ vec-tơ, 100% xã, phường, thị trấn có nguy cơ bùng phát dịch triển khai chiến dịch diệt lăng quăng ít nhất 3 đợt/năm (vào tháng 4, 6 và 8), 95% ổ dịch được xử lý sớm và triệt để bằng biện pháp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Đối với TCM, phấn đấu giảm còn không quá 2.614 cas mắc. Đối với cúm A (H5N1, H5N8, H7N9...), Mer-CoV và bệnh mới nổi, ngành y tế sẽ hạn chế tối đa số cas mắc, chết, đồng thời khống chế tốt từng cas bệnh, không để dịch lan rộng. Riêng các bệnh nguy hiểm lây qua đường tiêu hóa (tả, thương hàn...), tỉnh phấn đấu giảm 10% tỷ lệ mắc/100.000 dân và tỷ lệ chết/số người mắc so với trung bình 5 năm (2011-2015).
Theo Giám đốc Sở Y tế, để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, các ngành, các cấp, các đơn vị liên quan cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khi chưa có dịch và khi có dịch xảy ra. Trong đó, cần duy trì sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp trong thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn. Đối với các bệnh viện, Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh và mỗi TTYT cấp huyện phải tổ chức ít nhất 2 đội chống dịch lưu động với đầy đủ trang thiết bị theo quy định, đáp ứng nhanh trước diễn biến bất thường của dịch bệnh. TTYT cấp huyện tham mưu cho UBND huyện xây dựng và thực hiện kế hoạch đạt mục tiêu và hiệu quả cao nhất trong phòng, chống SXH tại địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong các chiến dịch diệt lăng quăng.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, công tác tuyên truyền được xem là rất quan trọng. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh được giao nhiệm vụ phối hợp với TTYT dự phòng tỉnh, các cơ quan báo, đài, đài truyền thanh tích cực triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền về dịch bệnh. Qua đó, phổ biến các hành vi tích cực của cộng đồng trong thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh, điều trị, tránh gây tâm lý hoang mang. Đối với TTYT cấp huyện, cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương cung cấp, phân phối và sử dụng hiệu quả các tài liệu, tranh ảnh, tờ rơi phòng, chống dịch tại cơ sở. Đồng thời, vận động cán bộ y tế, giáo viên, học sinh, sinh viên và Nhân dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, làm thông thoáng trường học, nhà ở; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN