Không để ai bị bỏ lại phía sau

29/07/2022 - 06:51

 - Công tác giảm nghèo được Đảng, nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để phát triển bền vững, thể hiện truyền thống “Tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa thành những hoạt động thiết thực lan tỏa khắp nơi trên địa bàn tỉnh An Giang.

Huy động các nguồn lực

An Giang có 20.074 hộ nghèo (tỷ lệ 3,81%), trong đó có 3.969 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 14,51%/tổng số hộ dân tộc thiểu số). Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, với 17.101 hộ (chiếm 85,19% tổng số hộ nghèo). Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, hàng loạt mô hình, cách làm hiệu quả, nhiều nguồn vốn được hỗ trợ... tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ nhà ở cho người khó khăn

Những tháng đầu năm 2022, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền được trên 78,4 tỷ đồng; đã chi trên 79 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ. Trong đó, cất mới 284 căn nhà (trị giá trên 13,5 tỷ đồng), sửa chữa 23 căn (trị giá 287 triệu đồng); thăm hỏi, tặng quà trên 157.700 lượt hộ nghèo, với số tiền 53,9 tỷ đồng; trợ giúp khó khăn đột xuất cho 32.362 trường hợp, với số tiền 5,94 tỷ đồng; trợ giúp học hành, hỗ trợ khám bệnh tổng cộng 2.177 trường hợp trên 1,7 tỷ đồng; thực hiện chương trình an sinh xã hội trên 3,67 tỷ đồng; hỗ trợ cho 72 hộ bị thiệt hại do hỏa hoạn và giông lốc tại huyện Châu Phú, An Phú với tổng số tiền hỗ trợ 316 triệu đồng.

Ngoài ra, nhận được sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát và trao hỗ trợ 1.100 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trị giá trên 1,2 tỷ đồng.

Đáng trân trọng, dù trong tình hình khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng trong năm 2021, các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt và hiện vật quy tiền với tổng trị giá trên 213 tỷ đồng. Từ số tiền vận động được, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã chi trên 220 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các nhóm đối tượng khác theo quy định.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Những tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ và cấp 855.027 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định, với kinh phí hỗ trợ trên 118,4 tỷ đồng. Đã khám, chữa bệnh cho 2.139 lượt người nghèo, với kinh phí trên 472 triệu đồng; khám, chữa bệnh miễn phí cho 1.494 lượt trẻ em dưới 6 tuổi, kinh phí trên 302 triệu đồng. Năm 2021, thực hiện miễn, giảm học phí và các chi phí khác cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách người có công, dân tộc thiểu số... với kinh phí trên 63,5 tỷ đồng.

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 19.607 người, trong đó có 793 người thuộc hộ nghèo. 6 tháng đầu năm 2022, giải quyết việc làm cho 10.000 lao động (trong đó, 100 lao động đi làm việc nước ngoài). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, An Giang được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 833 triệu đồng để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các huyện thực hiện mô hình giảm nghèo, như: Huyện Châu Thành (chăn nuôi gia cầm), Chợ Mới (kỹ thuật se nhang), Châu Phú (máy phun xịt), Phú Tân (máy phun xịt) và An Phú (chăn nuôi heo)…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế, thiên tai, đặc biệt là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, ngành, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh (giảm 1,03%), đạt chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch giảm nghèo đề ra (giảm từ 1-1,2%).

Điều kiện ăn ở sinh hoạt của hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng được cải thiện, tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, thông tin truyền thông. Kết quả giảm nghèo ngày càng bền vững, dù mức chuẩn thu nhập hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức chuẩn thu nhập giai đoạn 2016-2020, nhưng tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn sau vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước (3,81% so với 8,45%), do nguồn đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được quan tâm, có sự tập trung, không phân tán, dàn trải.

“Các chủ trương, chính sách về phát triển KTXH và giảm nghèo đã vào cuộc sống, được nhân dân phấn khởi đón nhận và tham gia ủng hộ, góp phần thành công trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển KTXH địa phương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.

THU THẢO