Trao đổi với phóng viên Báo An Giang, bà Trần Thiên Trang cho biết: “Để tạo điều kiện cho tôi có nhà ở, cha, mẹ tôi quyết định cho diện tích gần 40m2 đất đối diện nhà ông bà, tiếp giáp sông Ông Chưởng, tại tổ 21, ấp Long Thành, xã Long Điền B. Đầu năm 2018, cha, mẹ tôi xây nền để chuẩn bị cất nhà. Lúc này, địa phương đến ngăn chặn, lập biên bản, buộc gia đình tôi làm cam kết không tái phạm. Ngày 4-6, tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Viễn (Chủ tịch UBND xã) trình bày về hoàn cảnh cuộc sống, điều kiện sinh hoạt khó khăn, xin ông xem xét, giải quyết cho tôi được cất tạm ngôi nhà, dù chỉ là tiền chế để tá túc. Toàn bộ yêu cầu, ý kiến của tôi đều bị ông Viễn bác bỏ, đồng thời giải thích không thuyết phục. Dù thất vọng nhưng tôi vẫn tiếp tục nài nỉ. Sau đó, từ lời nói lớn tiếng, ông Viễn chuyển qua thái độ hằn học rồi từ chối thẳng thừng yêu cầu của tôi. Đến ngày 22-7, tôi gặp Hiệu trường nhà trường trình bày sự việc. Lẽ ra an ủi, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ tôi, nào ngờ thầy lại thể hiện thái độ khó chịu, gây sức ép. Dù không uy hiếp nhưng cách xử lý của thầy hiệu trưởng đã làm tinh thần tôi bị ảnh hưởng, đã bất lợi cho tình cảnh của gia đình tôi trong lúc khó khăn”.
Gia đình bà Trần Thiên Trang bên nền nhà
Nói về sự việc, ông Trần Hữu Phước (cha của bà Trần Thiên Trang) cho biết: “Trước nhà tôi là nhà của con trai. Cạnh đó, có 1 nền nhà (5,5mx 12m) dùng để phơi lúa, 1 nền (4,9mx12m) đã bó nền để xây tạm nhà cho mẹ con Trần Thiên Trang ở riêng. Số diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sử dụng ổn định từ lâu đời, không ai tranh chấp. Ở đây, người cất nhà tiếp giáp, ở gần bờ sông Ông Chưởng nhiều nhưng đến lượt tôi thì bị địa phương ngăn cản. Cách đây chỉ vài chục mét, vừa qua đã có nhà dựng lên, nhưng chẳng thấy ai đến ngăn cản, xử lý. Thật không công bằng”. Bà Mai Thị Nết (vợ ông Trần Hữu Phước) bổ sung: “Do chuẩn bị cưới vợ cho con trai, con gái tôi ước mơ có mái ấm nên vợ chồng tôi mới quyết định cho nền nhà đối diện bên đường. Con gái tôi ly dị chồng đã 4 năm, có con trai 7 tuổi bệnh tâm thần, sống ké với cha mẹ bất tiện. Nó rất cần có mái ấm ở bên cạnh để cha, mẹ hỗ trợ, giúp đỡ và đùm bọc. Ở đây ai cất nhà cũng dễ, nhưng gia đình tôi lại khó khăn. Rất mong Nhà nước xem xét thấu đáo, cho con gái tôi cất tạm ngôi nhà dạng tiền chế, khi địa phương yêu cầu di dời sẽ chấp hành ngay”.
Trả lời về việc này, ông Nguyễn Văn Viễn cho biết: “Ngày 12-3, qua kiểm tra địa bàn, phát hiện gia đình bà Mai Thị Nết đang đào móng xây dựng công trình diện tích ngang 4,9m, dài 7m. Vị trí này tiếp giáp đường tỉnh 946, cách tim đường 6m/14.5m, phía sau là con sông Ông Chưởng. Đoàn kiểm tra lập biên yêu cầu gia đình dừng lại việc thi công, do vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Nơi đây thuộc khu vực cảnh báo sạt lở hàng năm, đặc biệt có dấu hiệu phát sinh mới, được UBND huyện Chợ Mới và địa phương thường khuyến cáo. Ngoài ra, vị trí đất nằm ở khu vực phải xin phép xây dựng, nhưng lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ cũng không xin phép xây dựng. Căn cứ các quy định hiện hành, đặc biệt về cảnh báo tình hình sạt lở, chúng tôi không giải quyết yêu cầu của bà đúng theo quy định của pháp luật. Hôm bà Trang đến trao đổi sự việc là ngoài giờ làm việc, tại gia đình. Trong phát ngôn, tôi nói bình thường, nhưng do không đạt yêu cầu bà nên bà phát sinh phản ánh”.
Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Quang Trung Nguyễn Ngọc Khoa trình bày: “Hôm cô giáo Trần Thiên Trang nói về việc địa phương không cho xây cất nhà, tôi đã phân tích và đề nghị cô nên tạm chấp nhận việc xử lý này, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mình chấp hành pháp luật. Tôi nói cô có thể tạm xin cất nhà ở phía sau nhà cha mẹ, rồi sau đó sẽ xử lý sau, không nên quá nặng nề, ảnh hưởng đến công việc. Tôi chỉ giải thích, không có thái độ khó chịu, gây sức ép như cô Trang phản ánh”.
Bài, ảnh: N.R