Không gian âm nhạc trong quán ăn

26/11/2022 - 08:14

 - Thưởng thức nhạc theo kiểu phòng trà, quán cà phê… đã xưa rồi. Xu hướng mới là vừa ăn uống, tiệc tùng, vừa nghe những bản nhạc đi cùng năm tháng. Mô hình này vừa xuất hiện ở An Giang, đã thu hút đông đảo khách xa gần.

Ông Bùi Thanh Phương (sinh năm 1973) từng thực hiện mô hình này ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng rồi quyết định chuyển về An Giang kinh doanh. Tất cả chỉ vì “máu” văn nghệ sĩ trong anh thôi thúc.

Tính đến thời điểm này, ông là người duy nhất mở quán ăn mà “chịu chơi” thuê ban nhạc phục vụ khách, định kỳ thứ 5 hàng tuần, tại đường Quản Cơ Thành (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên). “Mỗi buổi diễn như thế, quán tốn kém chi phí hơn thường lệ, nhưng khách không cần trả tiền phụ thu gì cả, chỉ cần hòa cùng không gian âm nhạc đang diễn ra. Khách yêu thích dòng nhạc “sang”, trữ tình và nhẹ nhàng sẽ rất thích mô hình này. Chúng tôi nói không với các thể loại nhạc xập xình, remix, thị trường” – ông Phương chia sẻ.

Mấy tháng nay, dù trời mưa, dù ít khách, quán của ông Phương vẫn duy trì mô hình này. Dần dần, nơi đây trở thành “điểm hẹn” của khách đồng điệu, đam mê lời ca tiếng hát, nhưng không thích cảnh xô bồ, ồn ã.

Nguyên Lý (sinh năm 2003) vừa học đại học, vừa tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ nghề ca hát gần 1 năm nay. Theo Lý, khác với hát trên sân khấu hoặc trong phòng trà, hát tại quán ăn như thế này giúp cô có dịp gần gũi, giao lưu với người xem nhiều hơn. Đặc biệt, dù khách bận rộn trò chuyện, ăn uống, “lai rai”, họ vẫn hưởng ứng nhiệt tình theo từng bài hát của ban nhạc.

Trời phú cho cô giọng hát ấn tượng, dù hát một cách bản năng vẫn rất cuốn hút. Dĩ nhiên, không gian này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự tập trung của người hát. Nhưng đối với Nguyên Lý, đây là cơ hội để cô thỏa niềm đam mê ca hát, được trải nghiệm cuộc sống, có thêm thu nhập, đặc biệt là phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần của người dân sau ngày làm việc căng thẳng.

Tương tự, Lê Tín Nhiệm cũng là một sinh viên đang có thu nhập từ năng khiếu ca hát. Anh mang đến những bài hát trẻ trung phù hợp lứa tuổi của mình, nhưng cũng sẵn sàng hát theo yêu cầu khán giả, đa dạng phong cách để tránh nhàm chán.

 

Lợi nhuận từ mô hình này giúp ban nhạc Light time trụ vững sau mấy tháng thành lập. Lê Tuấn, trưởng ban nhạc, chia sẻ: “Chúng tôi nhận lời biểu diễn tại quán ăn, cà phê, đám tiệc, thậm chí tại gia đình khách hàng. Từng thành viên vừa được thỏa đam mê âm nhạc, vừa có thu nhập ổn định, nên rất gắn bó với nhau”.

“Sân khấu” chỉ là mấy chiếc ghế, đạo cụ âm nhạc, giữa không gian rộn rã lời trò chuyện, tiếng cụng ly “cốp cốp”. Nhưng ban nhạc vẫn toàn tâm toàn ý trong từng phần trình diễn.

Đặc biệt, khách đến quán tích cực hát giao lưu cùng ban nhạc, cũng để thỏa sở thích âm nhạc của bản thân. Đa phần hát rất tốt, nhưng cũng có người lạc giọng, lạc nhịp. Không sao cả, miễn chia sẻ niềm vui cùng nhau là được!

Trần Minh Đăng (ngụ TP. Châu Đốc) thi thoảng ghé quán họp mặt cùng bạn bè, rồi hát tặng họ vài bài. Đối với anh, đây là một điểm thư giãn, giải trí khá phù hợp với mình.

Có lẽ, mô hình này sẽ được nhân rộng ở nhiều quán ăn khác, vì có cầu ắt có cung. Mà nhu cầu thưởng thức văn hóa- văn nghệ của người dân miền Tây thì nhiều vô số kể. Đó là một nhu cầu lành mạnh, cần được khuyến khích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân đô thị.

KHÁNH ĐĂNG

 

Liên kết hữu ích