Không gian sáng tạo cho học sinh

13/01/2022 - 04:54

 - Hiện nay, học sinh tiếp cận rất nhanh với công nghệ (đặc biệt là sử dụng mạng xã hội, như: Facebook, YouTube, TikTok…) để giải trí, giao lưu, trao đổi cùng bạn bè. Một số trường học tận dụng lợi thế này, tạo sân chơi lành mạnh trên không gian mạng để các em sáng tạo nội dung, hình ảnh phục vụ học tập, định hướng nghề nghiệp, tự tin thể hiện bản thân...

Sau khi nhận các file thu âm, Lê Thành Phát dựng chương trình Bản tin học đường

Thay vì thiết kế Bản tin học đường bằng văn bản, qua phát thanh học đường, Đoàn Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) sáng tạo thành chương trình Bản tin học đường, phát trên YouTube, Facebook. Điều sáng tạo nhất là mỗi bản tin được học sinh lên kịch bản cụ thể như buổi phát sóng chương trình truyền hình thực thụ: Có kịch bản, biên tập viên, phát thanh viên, người dựng chương trình… Nội dung xoay quanh tin tức diễn ra ở trường trong tuần, hoạt động của ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên, chủ điểm sinh hoạt tư tưởng, sự kiện, ngày lễ lớn trong năm, tuyên dương người tốt - việc tốt, hiếu học…

Theo Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Trung Trực Đặng Phú Vinh, để “lên sóng” chương trình hoàn thiện, cần sự nỗ lực của cả nhóm biên tập. Khi mới bắt đầu, dù có ý tưởng, nội dung sẵn sàng, nhưng để lồng ghép hình ảnh, video cho khớp với nội dung, dựng hoàn chỉnh, thầy trò phải đầu tư rất nhiều. Sau mỗi chương trình, các em tiếp tục đầu tư, tìm tư liệu, phần mềm dựng video hiệu ứng đẹp…

“Ý tưởng chương trình Bản tin học đường được ấp ủ từ lâu, nhưng chúng tôi chần chừ mãi, chưa thực hiện được. Đến năm học 2021-2022, ảnh hưởng dịch bệnh nên các em phải học trực tuyến. Vậy là những số đầu tiên của chương trình Bản tin học đường ra đời, nhận được sự yêu thích của học sinh, giáo viên” - thầy Vinh chia sẻ.

Chương trình được phát vào sáng thứ 2 hàng tuần. Mở đầu luôn là câu nói và nhạc hiệu quen thuộc: “Trời xanh, mây trắng, nắng vàng/ Hôm nay tin tức vẫn tràn bờ đê. Chào mừng các bạn đến với Bản tin học đường Nguyễn Trung Trực High School, thông tin trên từng cây số”. Đây là giọng nói được các “phát thanh viên” là học sinh của trường tự thu âm và gửi cho nhóm. Thầy Vinh phụ trách chính, xét duyệt nội dung trước khi "xuất bản". Các phần còn lại (như: Thu âm, hình ảnh, dựng chương trình…) đều do học sinh tự ghi âm ở nhà theo kịch bản rồi gửi file, 1 bạn phụ trách tổng hợp, dựng thành chương trình.

“Ban đầu, các em còn hạn chế trong diễn đạt số liệu và văn phong, nhưng được cải thiện qua từng chương trình. Đầu năm tới giờ, thầy trò chưa gặp nhau, tất cả công việc trong đội đều trao đổi trực tuyến. Nhiều lúc nhắn tin không nói hết ý được, tôi phải họp Google Meet, mở bản tin nháp lên cho cả nhóm cùng xem, góp ý. Mấy số đầu khá cực, vì thầy trò đều không chuyên nghiệp, chỉ có ý tưởng, cùng nhau thảo luận và tháo gỡ. Đến giờ, tôi thấy hài lòng khi thống nhất được nội dung, kỹ thuật, nhạc hiệu, logo...” - thầy Vinh phấn khởi.

Để thực hiện được bản tin, ngoài thu thập số liệu, các em phải chụp ảnh, quay video; thầy, cô trong trường phụ tiếp về hình ảnh, tư liệu để các em hoàn thiện bản tin. Khi Đoàn trường thông báo tuyển chọn thành viên cho ê-kíp thực hiện chương trình Bản tin học đường, em Lê Thành Phát (học sinh lớp 11A1) cảm thấy rất thích thú, nhanh chóng tham gia. “Bản tin học đường là kênh thông tin của trường, giúp các bạn tiếp cận thông tin, chủ đề sinh hoạt dễ dàng nhất, vì vừa có hình ảnh, video… đỡ chán hơn khi tuyên truyền bằng văn bản. Đặc biệt, trong khoảng thời gian học trực tuyến, những Bản tin học đường giúp chúng em cập nhật thông tin nhanh, chính xác về hoạt động nhà trường. Sau khi đăng ký tham gia, em tìm hiểu rất nhiều phần mềm dựng video. Ban đầu chưa được ổn, nhưng sau nhiều số phát sóng, đến Bản tin số 7 thì nhóm cảm thấy hoàn thiện, lấy đó làm chuẩn cho các số tiếp theo” - Thành Phát chia sẻ.

Tuy chỉ là chương trình Bản tin học đường của trường học, nhưng hoạt động cho thấy sự nỗ lực của cả thầy, trò trong đội. Đây là cách giúp các em phát triển đam mê nghề nghiệp liên quan đến truyền thông, sáng tạo nội dung, công nghệ, phần mềm… Chương trình khởi đầu cho những sáng tạo, trải nghiệm, tận dụng tiện ích từ Internet giúp các em vừa học, vừa giải trí. Việc thực hiện chương trình là cách tuyên truyền hoạt động, tin tức dễ hiểu, dễ nắm bắt, đến gần học sinh hơn.

ÁNH NGUYÊN