Không ngừng đổi mới khoa học – công nghệ

16/06/2022 - 07:11

 - Khoa học và công nghệ (KH&CN) cùng với đổi mới sáng tạo là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. 5 năm qua, An Giang đã chuyển giao trên 280 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh và cơ sở. Kết quả đã tạo ra chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp

Giám đốc Sở KH&CN Tầng Phú An cho biết, An Giang tập trung nghiên cứu sàng lọc, tuyển chọn, lai tạo nâng cao năng suất, chất lượng các cây trồng, vật nuôi đặc hữu của tỉnh, như: Phục tráng giống lúa Jasmine 85 Châu Phú; chọn tạo giống lúa nếp ngắn ngày, chất lượng tốt cho huyện Phú Tân; phục tráng và xây dựng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ giống lúa đặc sản Nàng Nhen thơm vùng Bảy Núi; sưu tập, bảo tồn và phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ các giống lúa mùa nổi, lúa mùa ruộng trên; nghiên cứu lai tạo giống bò địa phương với tinh bò nhập ngoại, tạo ra các thế hệ con lai có tầm vóc và chất lượng thịt nâng cao; xây dựng quy trình ương giống và nuôi thương phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nội địa và xuất khẩu cho cá lóc, cá rô phi, cá điêu hồng, cá chạch lấu...

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

Nhiều nghiên cứu vùng canh tác quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm đồng nhất, đồng chất, như: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn 4H (hữu cơ, hiện đại, hài hòa, hợp tác); xây dựng vùng canh tác xoài 3 màu huyện Chợ Mới đạt tiêu chuẩn VietGAP 500ha; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh (chuỗi giá trị cá lóc, lươn đồng, rau màu, xoài).

Nhiều nghiên cứu phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giới thiệu mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả được thực hiện theo đặt hàng của các địa phương. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chứng nhận tỉnh An Giang cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Nhiều mô hình hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả vào cộng đồng, như: Hỗ trợ thiết bị gieo hạt theo bụi trong canh tác lúa huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; sản xuất thử nghiệm máy thu gom rơm; ứng dụng nhà sấy năng lượng mặt trời trong sấy các mặt hàng nông sản, dược liệu...

Khai thác thế mạnh

Du lịch (DL) là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là lĩnh vực được nghiên cứu với nhiều loại hình đặc thù, như: DL làng nghề, sinh thái, tâm linh; xây dựng các mô hình, tour, tuyến DL. Qua đó khai thác, phát triển các nền tảng giá trị văn hóa bản địa, giá trị văn hóa Óc Eo, văn hóa Chăm, Khmer, Hán Nôm; DL sinh thái Mỹ Hòa Hưng, DL làng nghề sinh thái Tân Châu, lòng hồ Tân Trung; xây dựng bản đồ GIS giới thiệu các địa điểm và thông tin DL tỉnh An Giang…

Tỉnh còn tích cực khai thác, phát triển các đối tượng dược liệu đặc hữu địa phương, xác định thành phần dược lý và nghiên cứu đa dạng các sản phẩm là thực phẩm chức năng và thuốc trị bệnh, gia tăng giá trị cho các đối tượng dược liệu vùng Bảy Núi, như: Ngải trắng, ngải đen, ngải bún, cà gai leo, chúc, sầu đâu, đinh lăng lá nhỏ, chùm ngây, huyền tinh. Đã nghiên cứu hiện đại hóa các bài thuốc gia truyền trị mỡ máu của lương y Trần Quang Trung, bài thuốc trị viêm xoang của bà Hồ Kim Phượng, bài thuốc hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống của lương y Nguyễn Thiện Chung...

Ưu tiên sản phẩm chủ lực

Để KH&CN và đổi mới sáng tạo đi vào chiều sâu, thời gian tới, An Giang cần tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm chủ lực địa phương, như: Các giống lúa phục vụ đề án thương hiệu gạo tỉnh An Giang; chọn tạo các giống rau hoa phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng; sưu tập và bảo tồn nguồn gen dược liệu và rau, hoa đặc trưng của tỉnh. Xây dựng trang trại trên cơ sở xây dựng mô hình đa dụng, trồng trọt kết hợp sơ chế nguyên liệu cung cấp cho khách DL và các doanh nghiệp. Triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng là một trong những trung tâm về nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa lịch sử của vùng ĐBSCL...

Tỉnh phát triển cơ chế thương mại hóa sản phẩm KH&CN, hợp tác chuyển giao ứng dụng, cung cấp các dịch vụ KH&CN; đầu tư các dự án KH&CN trọng điểm; khai thác triệt để thành tựu các ngành KH&CN mũi nhọn như: Công nghệ sinh học, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu mới. Đổi mới sáng tạo nâng cao giá trị nông sản địa phương. Xây dựng hình ảnh sản phẩm An Giang chất lượng, có giá trị nhận diện. Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, số hóa các dữ liệu, phát triển các nền tảng số, thúc đẩy sàn thương mại điện tử, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản, thực hiện “Hồ sơ nông sản sạch An Giang", tăng cường bảo hộ sản phẩm An Giang...

HẠNH CHÂU