Khúc tráng ca về Tổng đốc Nguyễn Tri Phương

30/09/2022 - 08:23

Bi tráng, lắng đọng, hào hùng và thấm đẫm chất thơ, ấy là những xúc cảm đặc biệt mà vở diễn "Bất tử với Thăng Long" mang lại cho công chúng. Ðây là tác phẩm mới nhất của Nhà hát Cải lương Việt Nam được lựa chọn tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 đang diễn ra tại Hà Nội.

Cảnh trong vở Bất tử với Thăng Long.

"Bất tử với Thăng Long" được đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Sĩ Chức, chuyển thể cải lương: nghệ sĩ Nguyễn Ðình Tư. Vở diễn xoay quanh nhân vật trung tâm là Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, một đại thần trong thời nhà Nguyễn. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn vâng lệnh triều đình làm Tổng đốc trấn giữ Hà Nội. Mặc cho quân Pháp tìm mọi cách mua chuộc, ông kiên quyết không giao nộp thành. Ngay cả khi Hà thành thất thủ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương vẫn cự tuyệt hợp tác với địch, thà chết cũng không chịu khuất phục. Cái chết lẫm liệt của ông đã góp phần hun đúc nên ý chí quật cường, quyết tâm quét sạch ngoại xâm trên toàn cõi nước Nam... Không chỉ khắc họa sâu sắc hình tượng một nhân vật lịch sử vì nước quên thân, vở diễn còn làm nổi bật chân dung các thành viên trong gia đình Tổng đốc Nguyễn Tri Phương như vợ, con trai (phò mã Nguyễn Lâm), con dâu (công chúa Ðồng Xuân), những người sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ Thăng Long, Hà Nội.

Ðiều thú vị là một vở diễn về đề tài lịch sử nhưng không khiến người xem cảm thấy khô khan mà lại thấy rất hấp dẫn. Bên cạnh những tình tiết bám sát diễn biến lịch sử, ê-kíp sáng tạo đã dụng công cho việc lột tả chiều sâu diễn biến nội tâm nhân vật. Ấy là nỗi trăn trở, giằng xé xen lẫn cô đơn của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương - người mang chí lớn trong bối cảnh đất nước đang bị quân Phú Lang Sa (thực dân Pháp) âm mưu thôn tính. Ấy là nỗi đau đớn của người thủ lĩnh khi chứng kiến cảnh dân chúng bị đọa đầy trước bọn quan tham bán nước cầu vinh; hay nỗi day dứt, luyến lưu khi Tổng đốc phải từ biệt người vợ hiền mà không biết có ngày gặp lại... Theo dõi "Bất tử với Thăng Long", người xem không khỏi xúc động trước nhiều cảnh diễn bi tráng, như sự hy sinh anh dũng của phò mã Nguyễn Lâm, vợ Tổng đốc tuẫn tiết và nhất là cảnh kết khi Nguyễn Tri Phương thà chọn cái chết để giữ tròn khí tiết chứ quyết không dâng thành cho giặc.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: Với vở diễn này, ê-kíp sáng tạo muốn góp một nén tâm nhang kính dâng lên bậc tiền nhân. Những câu chuyện về quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khiến người đời vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ. Từ góc nhìn hôm nay thì sự hy sinh bảo vệ thành Hà Nội, cũng là chủ quyền đất nước, của gia đình Tổng đốc Nguyễn Tri Phương là điều vô cùng đáng khâm phục. Xem "Bất tử với Thăng Long", nhiều câu thoại thể hiện quan điểm, tư tưởng của ông khiến khán giả rất tâm đắc: "Làm quan phải như cây cao bóng cả cho dân tựa vào nương náu khi mưa. Làm quan là phải thương dân, không được làm cho dân sợ. Dân ghét quan rồi thì quan sống với ai"; hay "Ta đến nơi đây không phải để ngồi trên chiếc ghế Tổng đốc hưởng lợi cho bản thân mà muốn cùng muôn dân quyết giữ thành Hà Nội"; "Người đời mai sau có nhớ về ta thì đừng nhớ về một Tổng đốc của Hà thành mà hãy nhớ ta là một người dân bình thường dám sống, chết cho Hà Nội"...

Dưới bàn tay dàn dựng của một đạo diễn nữ thạo nghề, khúc tráng ca về Tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương trở nên đầy chất trữ tình. Chất trữ tình ấy được dệt nên bởi sự giàu có của những làn điệu bài bản, phong phú của cải lương trong vở diễn cùng sự lồng ghép khéo léo những điệu hò mái nhì khi lột tả không gian, nỗi nhớ xứ Huế, hay khi những dải lụa hoa xuất hiện trên sân khấu đặc tả không gian thơ mộng của hồ Tây Hà Nội... Sân khấu với thiết kế tối giản mang hàm ý ẩn dụ sâu sắc cũng mang đến ấn tượng mạnh cho khán giả. Chỉ với một hình ảnh chiếc ghế của quan Tổng đốc, nhưng khi thì trở thành con thuyền biểu tượng cho sức mạnh của quân dân, khi là không gian hồ Tây lãng mạn, khi là hình ảnh của thành Hà Nội... Sự tham gia của ngôn ngữ múa trong "Bất tử với Thăng Long" cũng góp phần gia tăng chất thơ cho một vở diễn về đề tài lịch sử. Bên cạnh đó, làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm không thể không kể đến sự nhập vai của các nghệ sĩ Ðoàn Cải lương truyền thống-Nhà hát Cải lương Việt Nam, đó là các nghệ sĩ: Nguyễn Văn Thuận (Nguyễn Tri Phương), Lê Trung Tuấn (phò mã Nguyễn Lâm), Bùi Thị Dung (công chúa Ðồng Xuân), NSƯT Nguyễn Thị Hồng Hà (Nguyệt Thi), NSƯT Chử Thị Hoa (Mỹ Hạnh)... Sự góp mặt của cả những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm và những gương mặt diễn viên trẻ triển vọng trong vở diễn giúp người yêu nghệ thuật cải lương càng thêm tin tưởng, hy vọng vào sự tiếp nối của thế hệ kế cận.

Theo TRANG ANH (Nhân Dân)