Kiên quyết chống dịch COVID-19

11/05/2021 - 15:10

 - Chiều 11-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký Công văn số 403/UBND-KGVX về triển khai thực hiện Thông báo số 98/TB-VPCP, ngày 8-5-2021 của Văn phòng Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương.

Công văn của UBND tỉnh nêu rõ: tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở một số nước có chung đường biên giới với nước ta với số ca nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng. Trong nước, tình hình dịch bệnh diễn biến cũng hết sức nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch trong cộng đồng, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” có đặc điểm mạnh hơn, lây nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Đến nay, tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, mặc dù nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, luôn thường trực, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cả hệ thống chính trị, người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thực hiện Thông báo số 98/TB-VPCP, ngày 8-5-2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình có ý kiến chỉ đạo như sau:

UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương ban chỉ đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu (y tế, quân đội, công an) đã và đang ngày đêm không mệt mỏi, nỗ lực triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua. Trước diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần khắc phục ngay khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi không có dịch trong cộng đồng; hoang mang, dao động, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát. Các cơ quan chức năng, nhất là các lực lượng tuyến đầu cần phát huy kết quả và kinh nghiệm phòng, chống 3 đợt dịch bệnh trước đây, bình tĩnh, sáng suốt, bám sát tình hình thực tế, chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các biện pháp phù hợp, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia và Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhanh chóng kiểm soát tình hình, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động phát huy nội lực với tinh thần: “Phòng” là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định “chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, trong đó lấy tấn công là chủ yếu, quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra ấp; ấp kiểm tra các hộ, gia đình theo tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch.

Quan điểm của UBND tỉnh là: ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh. Lưu ý, việc bảo đảm các yêu cầu an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, thực hiện mục tiêu kép, trong đó có việc bảo đảm kết thúc năm học 2020-2021 sớm nhưng phải đảm bảo trương trình dạy học theo quy định; đặc biệt chủ động chuẩn bị phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện có dịch bệnh, giao Tiểu ban an ninh trật tự, y tế chủ động kiểm tra tại khu vực bầu cử phải thực hiện nghiêm biện pháp “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm bảo đảm công tác bầu cử được an toàn, dân chủ, đúng luật, đúng quy trình, đạt kết quả cao nhất.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh phân cấp và thực hiện nghiêm trách nhiệm được giao. Từng cấp, từng ngành phải chủ động có phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn quản lý; từng người dân phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Nâng mức cảnh báo lên cao nhất, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trong công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh trên địa bàn, để kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Rà soát cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị mình và nhân dân trên từng địa bàn, khu dân cư khi trở về địa phương từ các vùng có dịch bệnh theo công bố của Bộ Y tế, đặc biệt sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tổng hợp và gửi báo cáo về Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 13-5-2021.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu nhân viên y tế đến hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại khu vực làm thể căn cước.

Các doanh nghiệp mời người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam (tỉnh An Giang) để làm việc thì cam kết thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Công văn số 2847/CVBCĐ, ngày 23-5-2020 và Công văn số 3949/CV-BCĐ, ngày 24-7-2020.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, nhất là các biện pháp theo Nghị quyết số 45/NQ-CP, ngày 16-4-2021 của Chính phủ; các Công điện số 540, 541, 570 của Thủ tướng Chính phủ; các Thông báo số 81, 82, 89 của Văn phòng Chính phủ, các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Công văn số 142-CV/TU, ngày 28-4-2021 của Tỉnh ủy, Công văn số 347, 356, 368, 377, 389, 397 của UBND tỉnh; Thông báo số 111, 119, 160, 170, 172 của Văn phòng UBND tỉnh, trong đó:

Khẩn trương, quyết liệt chấn chỉnh thực hiện việc cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe sau cách ly tập trung đối với người nhập cảnh bảo đảm đủ thời gian, đặc biệt là thực hiện nghiêm khâu bàn giao, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe sau cách ly tại gia đình, nơi lưu trú. Chính quyền địa phương, đặc biệt cấp cơ sở phải thực hiện nghiêm việc theo dõi, quản lý người thuộc diện theo dõi sau cách ly trên địa bàn.

Siết chặt việc quản lý xuất, nhập cảnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 540, 570, Công văn số 347, 377 của UBND tỉnh; các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường trách nhiệm của bí thư cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở, huy động hệ thống mặt trận, các đoàn thể và đặc biệt huy động, phát huy vai trò, tinh thần tự giác, làm chủ của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhất là tại các nơi thường xuyên có tập trung đông người như bến xe, bến tàu, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, khu du lịch, cơ sở tôn giáo, đặc biệt tại các bệnh viện, cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú... yêu cầu thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm (kể cả đối với cán bộ, công chức nhà nước), không nể nang, né tránh vì đây là công tác liên quan đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội (nếu có), bảo đảm phạm vi áp dụng gọn, hẹp nhất có thể, hạn chế tối đa tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế - xã hội; lưu ý bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất qua địa bàn giãn cách; không áp dụng biện pháp cực đoan quá mức cần thiết.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, điều phối các khu cách ly tập trung trong tỉnh; trước mắt 5 huyện biên giới chủ động bố trí các khu cách ly với quy mô tối thiểu 400 chỗ (300 chỗ chính thức, 100 chỗ dự phòng), 6 huyện còn lại bố trí các khu cách ly tập trung với qui mô tối thiểu 300 chỗ (200 chỗ chính thức, 100 chỗ dự phòng); chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung tuyến sau để hỗ trợ tuyến đầu khi cao điểm xảy ra.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, điều chỉnh các kịch bản trong Kế hoạch 99/KH-UBND của UBND tỉnh để chủ động, kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều hành hiệu quả các tình huống phòng, chống dịch trên tuyến biên giới; đồng thời đưa ra kịch bản diễn tập, phương án đảm bảo về tài lực, vật lực… phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, thủ tục và quy định về cách ly bắt buộc tại các khu cách ly tập trung trong tỉnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm khâu bàn giao, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe sau cách ly tại gia đình, nơi lưu trú; khẩn trương lắp đặt camera giám sát và xây dựng thêm nhà vệ sinh tại các khu cách ly tập trung.

Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Hội KhmerViệt Nam tại Campuchia tiếp tục vận động bà con người Việt tại Campuchia luôn bình tĩnh, hạn chế di chuyển và ở lại, tuân thủ quy định các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại.

Sở Y tế tiếp tục cập nhật, có phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chủ động liên hệ với Bộ Y tế để sớm có nguồn vắc xin tiêm cho mọi người dân trong tỉnh, giải thích rõ nguyên nhân của sự cố (nếu có) để nhân dân hiểu và tiêm vắc xin; kịp thời tiếp nhận các tiêu chí xác định các mức nguy cơ kèm theo các nhiệm vụ, giải pháp để trên cơ sở đó, bí thư cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp xác định, quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn thiện các quy định, quy trình phòng, chống dịch theo thực tiễn, kịp thời tháo gỡ, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Là cơ quan chủ trì, điều phối về công tác điều trị bệnh COVID-19 đối với các cơ sở y tế trong tỉnh; chủ động có kế hoạch bố trí đủ các test xét nghiệm nhanh để kịp thời khám sàng lọc, tầm soát, phát hiện sớm các đối tượng nguy cơ (nhâp cảnh trái phép, cán bộ y tế, các lực lượng làm nhiệm vụ tại các tuyến biên giới, tại khu cách ly tập trung) và khu vực có nguy cơ... tại các huyện biên giới từ nguồn hỗ trợ của Bộ Y tế hoặc từ nguồn kinh phí của quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán tỉnh An Giang. Tăng cường năng lưc xét nghiệm SARSCoV-2 nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Các sở: Thông tin và Truyền thông, Y tế; Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang, Thông tấn xã Việt Nam – Phân xã An Giang, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục truyền thông khách quan, trung thực, tích cực về tình hình dịch bệnh với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, kêu gọi nhân dân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sức khỏe cộng đồng, vì sức khỏe chính mình, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải gương mẫu đi đầu, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; không để lặp lại việc “một người lơ là cả xã hội vất vả”.

Chỉ đạo cơ quan báo, đài, truyền thanh tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, áp phích; đặc biệt chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn tăng cường hình thức truyền thanh di động để tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của trung ương, của địa phương; các giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, các hình thức xử phạt khi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; khuyến cáo mọi người không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, gây mất ổn định trật tự xã hội

HỮU HUYNH