40 năm ấy - “biết bao nhiêu tình”!

Kỳ 2: Cuộc chiến ở An Giang

28/12/2018 - 09:07

 - An Giang là vùng trọng điểm phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL. Nói đến An Giang là nói đến vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, anh hùng, kiên cường, bất khuất. An Giang cũng là 1 trong những tỉnh bị ảnh hưởng to lớn khi tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xary tiến hành các hoạt động gây rối, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam.

Liên tục bị gây hấn, xâm hại

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện Nghị quyết số 24 (8-1975) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy An Giang ra Nghị quyết về nhiệm vụ năm 1976, trong đó nhấn mạnh: tập trung chuyển đổi mô hình lúa 1 vụ thành 2 vụ; lúc mùa nổi 6-7 tháng/vụ sang lúa thần nông cao sản, ngắn ngày (từ 3 đến 3,5 tháng/vụ); khai hoang, rửa phèn, đào kênh dẫn nước phục vụ sản xuất.

Quân, dân An Giang tham gia đào đắp tuyến kênh biên giới năm 1978

Khi quân dân tỉnh nhà đang cùng cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, Pôn Pốt tiến hành các hoạt động gây rối, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam từ tháng 5-1975. Chúng gây hấn một số điểm ở biên giới và hải đảo thuộc tỉnh Long Châu Hà (nay là Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên); liên tục dùng súng cối 60mm, 80mm và 120mm bắn hàng trăm quả đạn vào xã An Phú (Tịnh Biên). Trong lúc tình hình biên giới đang diễn ra phức tạp, chính quyền Pôn Pốt còn tiến hành đẩy đuổi hàng vạn Việt kiều và Hoa kiều ở Campuchia chạy về Việt Nam qua biên giới tỉnh An Giang. Mặt khác, tàn quân của chế độ cũ tổ chức móc nối, hoạt động trở lại. Chúng vận chuyển vũ khí qua vùng núi Som, Thâm Đưng, giồng Cà Na ở Campuchia về vùng căn cứ B1 (Phú Hữu – An Phú) để lập căn cứ, chờ thời cơ chống phá cách mạng.

Đầu tháng 5-1975, Pôn Pốt đưa lực lượng hải quân đánh chiếm đảo Phú Quốc và Thổ Chu. Trên đất liền, chúng dùng pháo, cối bắn vào các xã biên giới của Việt Nam; đưa quân bao vây UBND xã Vĩnh Gia, vượt biên xâm nhập biên giới xã Vĩnh Xương; nhổ hàng rào biên giới, cắm cờ Campuchia vào sâu đất Việt Nam khoảng 300-500m. Chúng sang Việt Nam bắt dân, lùa trâu bò về bên kia biên giới và cài cắm gián điệp hoạt động; cắt liên lạc ngoại giao cấp tỉnh; di dân Campuchia gần biên giới vào sâu bên trong và đưa lực lượng quân sự ra biên giới ngụy trang thành các nhân viên nông trường để chuẩn bị chiến trường, triển khai lực lượng xuất phát tiến công xâm lược đất nước ta.

Ngày 30-4-1977, Đảng, chính quyền và quân dân An Giang hân hoan kỷ niệm 2 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Bộ đội An Giang tổ chức tổng kết đợt đào kênh thủy lợi ở Tri Tôn. Chính quyền Pôn Pốt lợi dụng trời tối, ém sẵn quân trên đất ta. Nửa đêm, chúng đồng loạt tấn công vào 14 xã biên giới, gây nên cảnh tang thương. Với bản chất tàn bạo, quân Pôn Pốt nhằm vào các ấp, xã nơi không có mục tiêu quân sự bắn giết nhân dân, đốt nhà, cướp của. Hậu quả, trên 200 người chết, 600 người bị thương; 600 căn nhà, 33.000 giạ lúa, 100 con trâu, bò, hàng trăm máy móc, tàu ghe của nhân dân bị đốt cháy.

Mặc dù hành động xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn cường độ, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên trì đối thoại nhằm giữ vững tình hữu nghị láng giềng vốn có giữa Việt Nam – Campuchia.

Xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu

Thời điểm trên, lực lượng vũ trang (LLVT) An Giang có 2 tiểu đoàn bộ binh 1, 2 và các đại đội binh chủng. Ở mỗi huyện có 1 đại đội địa phương và du kích xã, ấp, cùng lực lượng an ninh vũ trang tỉnh. Để tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đề nghị Quân khu 9 cho thành lập thêm các đơn vị thuộc tỉnh. Ngày 24-5-1977, An Giang thành lập thêm Tiểu đoàn 3. Đến 23-6-1977, thành lập Trung đoàn 162 trên cơ sở 3 tiểu đoàn của tỉnh và các đại đội trực thuộc thành lập mới. Ngày 13-7-1077, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập Bộ Chỉ huy Tiền phương tại Thượng Đăng Lễ (Châu Đốc), chuyển LLVT lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn bộ, tổ chức bảo vệ nhân dân ở vùng biên giới lùi về phía sau.

Dân quân địa phương bám trụ ngăn chặn quân Pôn Pốt

Ngày 30-7-1977, đoàn cán bộ của Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu về thăm An Giang. Đại tướng nhắc nhở: “Quân và dân An Giang phải hết sức cảnh giác trước âm mưu của địch ở biên giới. Bộ đội ta cần phải đánh, đánh cho địch thật đau; phải xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc, có trận địa hỏa lực mạnh, có xã, ấp chiến đấu vững để vừa chiến đấu vừa sản xuất được…”. Hơn 1 tuần sau, Trung tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9, đến An Giang giao nhiệm vụ cho các đơn vị đứng chân trên tuyến biên giới. An Giang được Bộ Tổng Tham mưu điều động 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh 7 của Quân đoàn 4 về đứng chân ở Châu Phú và Phú Châu; bổ sung Tiểu đoàn cao xạ 14 (súng 37mm), phân đội tên lửa đất đối không A74, 2 đại đội pháo mặt đất và Trung đoàn Bộ đội Biên phòng về An Giang. Ngày 31-8-1977, An Giang được Quân khu 9 bàn giao Trung đoàn bộ binh 24. Đồng thời, Quân khu điều động một số tiểu đoàn của Bến Tre và Hậu Giang tăng cường lên làm nhiệm vụ ở biên giới.

Cuối năm 1977, An Giang hoàn thành nhiệm vụ chuyển địa phương sang thời chiến. Ngày 4, 5-1-1978, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Ban Thường vụ mở rộng để xác định chủ trương xây dựng LLVT tỉnh và lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu. Qua đó, xác định: 1 trong những vấn đề cấp bách và có ý nghĩa đặt ra là phải có LLVT nhân dân mạnh về chính trị, tổ chức và trình độ chiến thuật, kỹ thuật để làm cho kỳ được nhiệm vụ tiêu diệt địch trong bất kỳ tình huống nào. 

Sau gần 2 năm chiến đấu, LLVT tỉnh An Giang từ chỗ chỉ có 2 tiểu đoàn, đã phát triển lên thành 3 trung đoàn và các tiểu đoàn, đại đội binh chủng. Mỗi huyện lúc đầu chỉ có 1 đại đội, đã phát triển lên thành tiểu đoàn; mỗi xã có từ 3 trung đội du kích; mỗi ấp từ 1-2 trung đội. Bên cạnh đó, An Giang còn được Bến Tre và Hậu Giang đưa lực lượng lên tăng viện. Quân khu 9 và Bộ Quốc phòng còn chi viện cho tỉnh 1 số sư đoàn chủ lực, như: Sư đoàn 330, Sư đoàn 4, Sư đoàn 8, Sư đoàn 339, Sư đoàn 7, Sư đoản 341 và Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ.

Quân – dân đồng lòng

Mặc dù là vùng trọng điểm trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chịu không ít tổn thất, hy sinh, nhưng quân và dân An Giang đã đồng lòng vượt qua. Tỉnh huy động 10.300 lượt dân công hỏa tuyến để đào chiến hào, tải đạn, tải thương; huy động 17.800 lượt thanh niên xung phong; huy động 21.291 lượt người xây dựng tuyến làng xã chiến đấu, hàng trăm ngàn ngày công lao động, đào đắp trận địa pháo, giao thông hào, cài cắm 12 triệu mũi chông tre; huy động 3.346 lượt công nhân ngành giao thông điều khiển tàu, xe vận chuyển phục vụ chiến đấu.

Về vật chất, tỉnh đã huy động được 352 tàu, 8 xe tải chuyên vận chuyển phục vụ chiến đấu. Cuối năm 1977, khi tỉnh chuyển sang thời chiến, tất cả các ngành, các cấp tập trung cho phục vụ chiến đấu. Trong đó, ngành thương nghiệp đã đảm bảo các mặt nhu yếu phẩm, đặc biệt là lương thực cho các lực lượng và nhân dân trên địa bàn. Trong điều kiện vừa có chiến tranh, vừa bị mất mùa do lũ lớn năm 1978, tỉnh vẫn đảm bảo đủ chế độ tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ đủ ăn để chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Sau khi được tăng cường lực lượng, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đêm 21 rạng sáng 22-12-1978, An Giang vinh dự được Quân khu giao nhiệm vụ nổ súng trước, nhằm thu hút địch, tạo điều kiện cho lực lượng của Quân khu thọc sâu hướng Lộ 2 – TaKeo (Campuchia). Ngày 7-1-1979, lực lượng ta đã làm chủ từ biên giới lên TaKeo; các hướng khác đã đánh địch bật khỏi biên giới.

Quân dân An Giang kiên quyết bám chốt ngăn chặn lính Pôn Pốt xâm lược

“Khi chiến tranh xảy ra, thực hiện phương châm “dựa vào sức mình là chính”, cùng với sự chi viện của cấp trên và lực lượng từ tuyến sau tăng cường, LLVT tỉnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng phát triển lực lượng, tổ chức chiến đấu đánh địch xâm lấn biên giới, giành lại các khu vực bị chiếm đóng, giành thế chủ động trên chiến trường, tạo thế và lực cho cấp trên tổng phản công, tiến công đánh bại quân xâm lược. Giai đoạn phản công chiến lược từ ngày 21-12-1978 đến ngày 30-1-1979, LLVT tỉnh An Giang cùng với lực lượng của cấp trên tổ chức nhiều trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều sinh lực địch, trực tiếp giải phóng hoàn toàn 4 huyện và một nửa của 2 huyện thuộc tỉnh TaKeo và Kandal, cứu sống hơn 400.000 người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt. Sau hơn 3 năm tổ chức phòng thủ và chiến đấu bảo vệ biên giới, LLVT và nhân dân tỉnh An Giang đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam” – Đại tá Nguyễn Văn Lèo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, thông tin.

GIA KHÁNH

Kỳ 3: Những ký ức khó phai mờ