Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Tưởng nhớ về những người đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc

25/07/2023 - 19:45

Giữa những ngày tháng Bảy, nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và tri ân cho người trở về sau chiến tranh để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc, cho nhân dân. Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được.

Tưởng nhớ những người đã khuất, đã bị thương bằng sự kính trọng lớn lao

Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cả dân tộc Việt Nam đã ra trận, hàng triệu người con tuổi trẻ ưu tú khắp mọi miền của Tổ quốc đã cùng chung một chiến hào đánh Pháp, đuổi Mỹ cứu nước, vì một chân lí "Độc lập tự do" cho dân tộc.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là bản Anh hùng ca bất diệt, ghi vào lịch sử của dân tộc bằng những trang vàng chói lọi.

Suốt 56 ngày đêm bền bỉ và anh dũng chiến đấu, Bộ đội ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Năm tháng đã trôi qua, nhưng sự đóng góp, hi sinh của các Anh hùng, liệt sĩ sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một bài ca bất diệt...

Khi miền Bắc được giải phóng, đất nước bị chia cắt, cả nước lại cùng miền Nam gồng mình để chống lại sự hung ác, bạo tàn của đế quốc Mỹ.

Đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975, đã khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa Dân tộc Việt Nam từ đêm trường đau thương nô lệ tiến lên giải phóng nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn Tổ quốc được thu về một mối, đất nước hòa bình thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chăm lo những người có công với trách nhiệm lớn lao, nghĩa tình sâu nặng.

Chăm lo những người có công với trách nhiệm lớn lao, nghĩa tình sâu nặng.

Trong suốt chặng đường dài của hai cuộc kháng chiến đánh Pháp, chống Mỹ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho quê hương, đất nước. Các anh, các chị, có người đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về mang trên mình những thương tích của chiến tranh. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong những đứa con mãi mãi không về…

Dù chiến tranh đã đi qua, song những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Nó để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sĩ. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng,… để giờ đây những nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9,… bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao làng không chồng, trại thương binh và rất nhiều những hài nhi bé nhỏ bị dị tật được sinh ra trên đất nước.

Đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh, là những nỗi đau không thể xóa mờ. Ngoài những mất mát, hi sinh mà các anh đã vĩnh viễn mất đi ở chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng, thương tật mà các anh còn để lại trên cơ thể của mình, cũng như để lại cho thế hệ con cháu về sau này.

Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Những chiến binh còn sống dẫu mang trong mình những mảnh đạn, mảnh bom, nhưng họ không hề gục ngã trước nỗi đau thể xác, mà vẫn bước tiếp khí thế góp công sức xây dựng quê hương.

Tri ân các Anh hùng, thương binh liệt sĩ là nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng biết ơn sâu sắc của cả xã hội. Ngày 27/7 năm nay, chúng ta cùng nhau tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ về những người đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Tri ân những Anh hùng, thương binh - liệt sĩ

Đất nước đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu đáp ứng khát vọng của toàn dân, do đó hơn lúc nào hết công tác Chăm sóc Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm và tình cảm của toàn dân.

76 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước. Để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 11/11/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 01/7/2023 sẽ thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 ở thành phố Đông Hà - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.800 Anh hùng liệt sĩ.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 ở thành phố Đông Hà - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.800 Anh hùng liệt sĩ.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, theo đó đề xuất điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, tăng 26,54%. Với việc điều chỉnh này, từ năm 2023, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm 2.728 tỷ đồng.

Đây là một chính sách đột phá, có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng số kinh phí là hơn 400 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách, chế độ ưu đãi nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, trong dịp tháng 7/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chúng ta đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, đặc biệt những trường hợp này hy sinh từ thời kỳ chống Pháp, đặc biệt có trường hợp hy sinh cách đây 91 năm, đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ ...

Với việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong giai đoạn 2012 - 2022, ngân sách nhà nước được bố trí là 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác, công tác xây dựng, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ…

Đoàn viên thanh niên đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ.

Đoàn viên thanh niên đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ.

Các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; 2.988 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Đến nay, 99% hộ người có công với cách mạng cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Mặc dù trong những năm vừa qua, chúng ta có rất nhiều cố gắng chăm lo cho công tác Thương binh - Liệt sĩ, thế nhưng so với yêu cầu, chúng ta còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Tri ân các Anh hùng thương binh liệt sĩ, không chỉ là nhiệm vụ của một ngày trong năm, mà là trách nhiệm suốt cuộc đời của mỗi con người. Hãy cùng nhau sống tốt và làm việc tốt để xứng đáng với tấm lòng hy sinh cao cả của những người đã làm nên lịch sử và hình thành xứ sở này. Tri ân các Anh hùng thương binh liệt sĩ là hành động cao đẹp, là nét đẹp tâm hồn và là cách bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất của chúng ta.

“Ăn quả phải nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất.

Theo MINH LÝ (Công Lý)