Kỳ thú những dấu chân tiên trên núi

27/01/2023 - 03:31

 - Là một phần huyền hoại tâm linh đặc sắc ở An Giang, những dấu tích liên quan đến các vị tiên trên núi luôn khoác lên mình câu chuyện linh thiêng, thú vị, khơi gợi sự tò mò cho du khách gần xa.

Dấu vết của tạo hóa

Trong số những “dấu tiên” được biết đến thì bàn chân tiên là dấu tích xuất hiện nhiều nhất trên các ngọn núi. Từ núi Sam (TP. Châu Đốc) cho đến núi Trà Sư, núi Cấm (huyện Tịnh Biên), núi Cô Tô (huyện Tri Tôn) và núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn) đều xuất hiện bàn chân tiên.

Tuy nhiên, những bàn chân tiên này có hình thù, kích cỡ không giống nhau. Có những bàn chân tiên khá to, đúng với trí tưởng tượng dân gian về hình tượng to lớn của những vị tiên, có những bàn chân tiên có kích cỡ gần như tương đồng với bàn chân người, khiến du khách ít nhiều thích thú khi chứng kiến.

Đôi bàn chân tiên trên núi Sam

Nếu có dịp đến với Linh Sơn tự trên núi Sam, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đôi bàn chân tiên có kích cỡ khá lớn, nằm trên mỏm đá cheo leo bên triền núi. Nói về sự tồn tại của đôi bàn chân tiên, bà Bé Ba (phật tử làm công quả tại Linh Sơn tự) cho biết: “Đôi bàn chân tiên có từ khi nào không ai biết. Chỉ biết khi các thầy về đây lập chùa, dấu vết ấy đã hiển nhiên tồn tại. Du khách biết đến cứ lần lượt ghé thăm, cúng viếng ngày một đông hơn. Vì vậy, các thầy mới quyên góp kinh phí xây dựng đường lên mỏm đá có đôi bàn chân tiên để du khách dễ tham quan, cúng viếng. Khoảng 10 năm trước, muốn đến tham quan bàn chân tiên là việc rất khó khăn”.

Thật vậy, qua những bậc thang bằng đá vững chắc do nhà chùa xây dựng, chúng tôi thấy đôi bàn chân tiên in rõ mồn một trên mỏm đá. Nhìn kỹ, dấu vết đó giống dấu giày hơn. Du khách đến đây khá thích thú bởi họ không thể lý giải vì sao trên mặt đá lại có dấu vết gần giống đôi bàn chân người, nếu không có sức mạnh siêu nhiên nào đó tác động vào.

Đặc biệt hơn nữa, bàn chân tiên trên núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) khá tương đồng với bàn chân người. Trên một tảng đá lớn trong khuôn viên Sơn Tiên tự, dấu chân tiên in sâu vào mặt đá.

Theo quan sát của chúng tôi, đây là một bàn chân trái với hình dạng các ngón khá rõ ràng, tựa hồ dấu chân người giẫm lên mặt đất bùn sau cơn mưa. Quả thật, khi đứng trước sự tích kỳ lạ của thiên nhiên, nhiều người cảm thấy tin tưởng vào một thế lực siêu nhiên nào đó. Hay trên núi Trà Sư, dấu chân tiên in vào vách đá ở khu vực điện Huỳnh Long cũng được đông đảo khách hành hương đến tham quan, cúng viếng.

Màu sắc huyền thoại

Ông Lư Ngọc Hùng (người định cư lâu năm trên đỉnh núi Trà Sư) chia sẻ: “Đa phần du khách tin tưởng vào huyền thoại hay nói với nhau rằng, thuở xưa, các vị tiên thường đi vân du từ núi này sang núi nọ để ca hát, uống rượu, chơi cờ. Mỗi khi họ ghé lại thưởng ngoạn phong cảnh nơi nào, sẽ để lại dấu chân tại nơi đó. Tất nhiên, đây chỉ là huyền thoại tồn tại trong sự tín ngưỡng của mỗi người, chưa ai xác định được nguyên nhân tại sao lại có những bàn chân tiên như vậy”.

Dấu tích 5 giếng tiên trên đỉnh núi Dài Năm Giếng tại xã An Phú (huyện Tịnh Biên)

Dù lời kể về bàn chân tiên chỉ là huyền thoại, nhưng các dấu vết độc đáo này vẫn nhận được sự tin tưởng của nhiều người. Họ đến tham quan bàn chân tiên rồi cầu nguyện những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Với bàn chân tiên trong khuôn viên Sơn Tiên tự, du khách đến tham quan còn ướm thử bàn chân mình vào đó để nguyện cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, với đôi bàn chân tiên ở Linh Sơn tự trên núi Sam, do vị trí của dấu tích này nằm trên mỏm đá cheo leo khá nguy hiểm nên nhà chùa đã rào chắn lại, cũng như cảnh báo du khách không được tự ý leo qua đó.

Từ vị trí bàn chân tiên ở Linh Sơn tự, du khách sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng, an yên của cảnh vật, sự khoáng đạt của đất trời nên có thể lắng lòng, buông bỏ những muộn phiền trong cuộc sống. Khi đứng trước dấu vết kỳ thú của thiên nhiên, không ít người đã gửi gắm niềm tin, thành khẩn thắp nén hương thơm để khấn cầu bình an cho gia đạo, tránh xa những biến cố không may trong cuộc sống.

Bên cạnh những bàn chân tiên, du khách khi đến với những ngọn núi đẫm màu huyền thoại ở An Giang còn có thể lắng nghe câu chuyện về 5 giếng tiên trên đỉnh núi Dài Năm Giếng (xã An Phú, huyện Tịnh Biên), hay thích thú về hình ảnh mộ tiên ở khu vực sân tiên Thủy Đài Sơn (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn).

Tất cả đã tạo nên những mảng màu huyền thoại liên quan đến đến các vị tiên, góp phần hình thành hoạt động tín ngưỡng tâm linh độc đáo cho vùng đất An Giang. Vì vậy, nếu có điều kiện, du khách hãy thử một lần tiếp cận các “dấu tiên” trên núi tại An Giang để hiểu thêm về những huyền thoại kỳ bí khá thú vị này.

MINH QUÂN