Ký ức Đại đội tải 161

03/08/2020 - 07:22

 - Những chàng trai, cô gái năm ấy đem cả thanh xuân gắn bó với Đội tải 161 (thuộc lực lượng vũ trang tỉnh An Giang trong thời chiến tranh chống Mỹ). Giờ, họ đã lên chức ông bà, tuổi cao sức yếu, thậm chí không ít người qua đời. Theo thời gian bề bộn của cuộc sống, nhiều ký ức bị lãng quên. Nhưng họ không thể quên bao ngày kề cận bên nhau, lấy sức người cống hiến cho cách mạng, đứng giữa lằn ranh sinh tử. Bởi vậy, lần nào gặp nhau, ai nấy đều mừng mừng, tủi tủi.

Năm 1964, Đội tải 161 được thành lập, đến năm 1970 nâng lên thành Đại đội tải. Quân số trung bình của đơn vị dao động từ 40 - 60 người. Dao động là do có lúc vào chiến dịch, các đồng chí được động viên ra chiến đấu. Đặc biệt, hai phần ba đơn vị là nữ, người trẻ nhất mới 16 tuổi. Nam thanh niên trai tráng đã đầu quân về các đơn vị chiến đấu, nên mới dẫn đến điều đặc thù này.

Nhiệm vụ của đội là tải thương, tải đạn, tải lương thực, chia thành 3 trung đội. Một trung đội nhận tải theo tuyến từ Tân Lèo (Long An) về căn cứ B1 (xã Phú Hữu, huyện Phú Châu, nay là huyện An Phú). Một trung đội nhận tải theo tuyến từ B1 về vùng Bảy Núi. Trung đội còn lại đóng tại cứ, phục vụ đơn vị chiến đấu, khi có lệnh sẵn sàng lên đường.

16 tuổi, cô Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1952, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) thoát ly gia đình, trở thành một thành viên của Đội tải. Lao động quen tay, nên dù vóc dáng bé nhỏ, cô vẫn có thể mang vác 15 - 30kg, thồ hàng cả trăm ký bằng xe đạp.

“Hồi đó, 6 tháng mùa nước, 6 tháng mùa khô. Mùa nước, chúng tôi dùng xuồng, ghe để tải. Mùa khô thì dùng sức người vác hàng đi bộ, thồ bằng xe đạp, hoặc nhờ xe bò, xe trâu, xe ngựa (thậm chí là dùng voi) của người dân địa phương. Chị Cồ Điệp, chị Thu, chị sáu Bé… làm nhiệm vụ suốt đêm, sức lực dẻo dai, nam nhi còn phải nể phục. Tuyến đường nào cũng gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, đối mặt với sự truy đuổi của kẻ thù. Có khi, chúng dùng trực thăng, thả lính nhảy xuống chận tàu của đội, bắt các đồng chí đang làm nhiệm vụ.

Có lúc, ghe bị bắn thủng, mọi người trên ghe phải lấy khăn, áo “trám” lỗ thủng lại, một người nằm sát buồng lái, một người nhảy xuống điều khiển cho ghe chạy vào bờ, nhờ lực lượng cứu viện chuẩn bị sẵn 2 bên bờ sông. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là tuyến tải hàng qua kênh Vĩnh Tế. Anh em trong đội hay gọi đó là “kênh Vĩnh Biệt”, bởi lành ít dữ nhiều. Một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi là khoảng năm 1972, mọi người bị giặc phục tại khu vực này, xung quanh dày đặc tàu, xe tăng, máy bay.

Đạn bắn như mưa, mạnh ai nấy chạy, trên vai vác mấy chục ký đồ. Lúc ấy, ai cũng nghĩ mình sẽ chết. Nếu không chết thì cũng rơi rớt đồ dọc đường. Vậy mà khi về tới mé núi, kiểm tra lại, anh em còn sống đầy đủ, đồ đạc trên vai không thiếu thứ gì, mừng hết sức!”- cô Hương nhớ lại.

Các thành viên Đội tải họp mặt tại nhà vợ chồng cô Hương để cúng giỗ liệt sĩ

Ngoài việc thường xuyên phải khuân vác nặng, từng thành viên còn phải ngâm mình dưới sông, đồng tràm để trốn tránh sự phát hiện của giặc. Muỗi kêu như sáo thổi, chích ngứa xé da mà không có tay để gãi. Đỉa bám vào hút máu lúc nào không hay, đến khi chúng cắn no rớt xuống, vết thương chảy máu suốt. Phụ nữ “tới tháng” vẫn mang vác hàng, tải thương như các chị em khác, không hề có ý định nghỉ ngơi.

Điều kiện chiến tranh không cho phép, 5-7 ngày chưa được tắm giặt là chuyện bình thường. Lác, lang ben, ghẻ chóc thi nhau xuất hiện trên cơ thể của các cô, họ vừa xấu hổ, vừa buồn bực. Nhưng nào có ai nỡ cười cợt nhau, thay vào đó là niềm xót xa, là tiếng thở dài: ráng chờ chiến tranh kết thúc, còn sống là quý rồi, sá gì mấy căn bệnh xấu xí này!

Hòa bình, cũng là lúc Đại đội tải hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Năm 1976, các cô chú được cho xuất ngũ toàn bộ, trở về đời thường. Thi thoảng, họ gặp lại nhau trong các lần họp mặt. Thường xuyên nhất là tại nhà vợ chồng cô Hương, vào dịp giỗ liệt sĩ hàng năm. Hôm 26-7 vừa rồi, các cô chú cũng tụ họp về. Chỉ khoảng 10 người thôi, mà rộn rã tiếng nói cười, mà rưng rưng biết bao xúc cảm.

“Lúc chiến tranh, chúng tôi mong ước một điều rất giản đơn: sẽ được trở về sống cùng gia đình, có việc làm ổn định. Nhưng mãi đến giờ, vẫn có người chưa hoàn thành mong ước. Di chứng của một thời gian dài tải hàng nặng khiến các thành viên trong Đội bị bệnh rất nhiều, nhất là chị em phụ nữ. Họ mắc bệnh phụ khoa, da liễu, khớp…, chưa kể những vết thương do bom đạn. Ai còn gia đình, có điều kiện thì chữa trị khỏi. Nếu không, lại chịu đựng bệnh tật đến khi qua đời. Một số người hoàn cảnh khó khăn, sống neo đơn, phải bươn chải đủ nghề, hôn nhân không trọn vẹn…”- cô Hương buồn bã.

Hôm ấy, họ cùng thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc, dùng với nhau bữa cơm, rôm rả ôn chuyện ngày xưa. Hỏi thăm nhau, biết được kẻ còn người mất, ai khá ai khổ, rồi lại thương xót cho nhau. Khi chia tay, họ bịn rịn, hẹn lần sau gặp lại đông đủ hơn, trò chuyện nhiều hơn. Tiễn mọi người đi rồi, vợ chồng cô Hương lại nung nấu tiếp ý định tổ chức họp mặt Đại đội tải, mời tất cả thành viên về tham dự. Nhưng nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng của cả hai, vậy nên kế hoạch vẫn còn dang dở.

Cũng giống như đoạn cuối bài thơ ông Huỳnh Trí (Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) viết tặng đơn vị, vẫn còn là bản thảo ban đầu: “Gặp nhau đây tay bắt mặt mừng/ Chúc sức khỏe các anh các chị/ Hẹn gặp lại lần sau đầy đủ/ Mời chúng ta nâng chén rượu đào!”.

GIA KHÁNH