Ký ức mùa trăng tuổi thơ

12/08/2022 - 07:40

 - Dịp trăng tròn tháng 8 (âm lịch) hàng năm, được biết đến là ngày Tết đoàn viên trong quan niệm của người Việt. Đây còn là ngày Tết của thiếu nhi, ngày của niềm vui, tiếng cười, cùng với đủ loại bánh mứt, trái cây… Bên cạnh đó là những chiếc lồng đèn ông sao, lồng đèn cá chép, ánh trăng, câu chuyện chị Hằng - chú Cuội là những ký ức bình dị, khó phai.

Để chuẩn bị cho đêm Trung thu, mẹ sẽ đi chợ mua bánh hoặc tự tay làm: Bánh in, kẹo chuối, mứt, trái cây… đặc biệt là bánh trung thu, mỗi thứ một ít. Còn ba dù có bận bịu cũng không quên chuẩn bị lồng đèn. Ba ngồi vót từng thanh tre mỏng, dù đôi tay ba chai sần, bởi những công việc nặng nhọc hàng ngày, nhưng vẫn cố gắng làm lồng đèn cho các con. Lồng đèn ba làm, không quá cầu kỳ như ở chợ, nhưng đem lại nhiều niềm vui cho con trẻ, đầy ấp tình cha. Các bạn nhỏ cũng tranh thủ tụ họp, hẹn nhau dưới gốc cây me, gốc ổi sau nhà, cùng nhau làm lồng đèn, nói cười say sưa.

Ánh trăng đêm Trung thu vừa to, vừa tròn, sáng phủ cả mặt đất, mái nhà, hàng cây, đồng ruộng và in cả bóng trăng trên mặt nước. Khi nhìn lên ánh trăng, dường như có thể nhìn thấy bóng dáng cây đa và chú Cuội. Nếu chúng ta vừa đi bộ, vừa chú ý nhìn trăng, sẽ có cảm giác như trăng luôn đi theo mình! Bên cạnh, là những chiếc lồng đèn đủ sắc màu rực rỡ, được làm từ các vật dụng gần gũi với đời sống hàng ngày, như: Giấy màu, giấy kiếng, tre, gáo dừa...

Hình ảnh háo hức của đám con nít cầm lồng đèn trên tay, lụi hụi đốt từng cây nến, cùng nhau ngắm lồng đèn, đi xen nhau vừa đi vừa hát “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường…”, chọc phá nhau cười í ới… giờ chỉ còn là hoài niệm trong ký ức của bao người.

Tuổi thơ nhớ hoài những chiếc lồng đèn được ba làm cho, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Cứ vào dịp Tết Trung thu, là ba đi chặt tre về làm lồng đèn. Ai cũng khen ba khéo tay, dùng 10 que tre, cố định thành hình 2 ngôi sao, kết chồng lại và định hình, cứ vậy ba dán giấy kiếng màu đỏ, màu vàng tùy thích. Phần giấy màu dư thay vì bỏ đi, ba cắt nhỏ, tạo nên vòng cung bên ngoài ngôi sao, vô cùng đẹp mắt. Được ba làm cho cái lồng đèn là thích lắm, chạy đi khoe với bạn bè liền, rủ nhau cầm lồng đèn đi khắp xóm, nói nói, cười cười, mê chơi không muốn về”.

Anh Tân Thanh Long (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Thời trước, đa số trẻ em chơi lồng đèn là tự làm hoặc ba mẹ làm. Năm nào cũng vậy, gần  tới Tết Trung thu, bạn bè ở xóm í ới rủ nhau làm lồng đèn. Đứa đi chặt tre, đứa thì nhặt lon bia, lon sữa, có gì sử dụng nấy, vừa làm vừa nói cười rôm rả, rồi tự sáng tạo lồng đèn mà mình yêu thích. Có đứa thì hì hục ngồi đục lỗ, rồi dùng 2 cái vỏ lon xếp chồng lên nhau, cái lon để nằm ngang phía dưới thay thế cho “bánh xe” để lăn khi đẩy, kết hợp với một tay cầm là hoàn thành chiếc đèn lon tự chế. Nói đơn giản vậy thôi, chứ làm kỳ công lắm”.

“Sau này đi học ở trường cũng có tổ chức Đêm hội trăng rằm, cả lớp tập trung đến nhà cô chủ nhiệm, mỗi người một việc. Nam thì chẻ tre, vót tre, nữ thì cắt giấy kiếng, dán keo, phụ trách những việc tỉ mỉ, chi tiết nhỏ. Chiếc lồng đèn “bươm bướm” cao hơn 1m, dài hơn 2m, đôi cánh bướm nhờ vào hệ thống dây và ròng rọc, vỗ cánh nhìn sinh động hơn.

Đợi đến đêm Trung thu đi diễu hành từ trường đến trung tâm huyện, mỗi lớp một chủ đề với muôn vàn ánh đèn rực rỡ, từng tác phẩm được đưa lên sân khấu để ban giám khảo chấm điểm. Tuy giá trị phần quà không bao nhiêu, nhưng mang lại giá trị về tinh thần, niềm vui, tiếng cười gắn kết từng thành viên lại với nhau” - anh Long kể thêm.

Nhớ lúc lồng đèn điện tử chưa phổ biến, nhiều người dù có điều kiện, vẫn tự tay làm lồng đèn để chơi. Những món đồ chơi tự tay mình làm sẽ mang giá trị tinh thần và được lưu giữ trong ký ức nhiều hơn. Bây giờ hiện đại, chiếc lồng đèn dần thay đổi thành đồ chơi bằng nhựa chạy pin. Những giai điệu thân quen được thay thế bởi những bản nhạc hiện đại. Cũng có thể, trẻ em ngày nay có cuộc sống đủ đầy hơn ông bà, cha mẹ ngày trước, tiếp xúc với công nghệ, không biết nhiều đến trò chơi dân gian thú vị khác, về những đêm rước đèn cùng chúng bạn.  

NGUYỄN XÊ