Kỳ vọng cầu Châu Đốc

22/10/2021 - 06:52

 - Cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu, kết nối thành phố lễ hội Châu Đốc với TX. Tân Châu. Dự án dự kiến khởi công vào đầu quý II-2022. Cây cầu có chiều dài 667m, ngang 14m là công trình mà nhân dân mong đợi từ lâu.

Tháo gỡ vướng mắc

Dự án cầu Châu Đốc được khởi động vào tháng 10-2015. Lúc này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc nhằm thay thế phà Châu Giang trên tuyến Quốc lộ N1, kết nối TP. Châu Đốc với TX. Tân Châu. Theo kế hoạch được duyệt, dự án có tổng chiều dài 3,26km, trong đó cầu Châu Đốc dài 667m, rộng 12m, tổng vốn đầu tư khi đó là 931 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công trong quý IV-2015, hoàn thành vào quý I-2017.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, liên danh nhà đầu tư đã đề nghị nhà nước hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng cho dự án. Do đề xuất này không được chấp thuận (kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được phân bổ, dự án không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của Chính phủ lúc bấy giờ) nên dự án bị “treo” đến tháng 9-2019.

Vì mục tiêu phát triển lâu dài của tỉnh, vì mong ước của nhân dân trên địa bàn, UBND tỉnh An Giang đã đề nghị tiếp nhận dự án để thực hiện. Bộ Giao thông - Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ về đề nghị này của An Giang, được Thủ tướng chấp thuận.

Phối cảnh cầu Châu Đốc

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Lữ hành Cửu Long (trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngay khi ông nhận thông tin đầu quý II-2022, cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu sẽ được thi công, bản thân ông và những công ty lữ hành ở khu vực phía Nam rất vui mừng.

Theo ông Tùng, Châu Đốc là thành phố lễ hội, việc kết nối giao thông liên vùng (khi có cầu Châu Đốc) có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho du khách đi tham quan du lịch rất thuận lợi. Từ TP. Hồ Chí Minh, du khách có thể đi một tour nhiều ngày qua nhiều tỉnh, sau đó ra TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tắm biển, nghỉ ngơi rồi về. Cung đường N1 này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, mà còn có ý nghĩa liên kết vùng trong phát triển kinh tế, đưa ĐBSCL phát triển nhanh hơn, bởi “Đại lộ đại phú, tiểu lộ tiểu phú”.

Kỳ vọng thúc đẩy phát triển

Cầu Châu Đốc được xây dựng sẽ thỏa lòng mong ước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang. Từ lâu, tại các cuộc tiếp xúc với cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND 3 cấp, dự án cầu Châu Đốc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Khi công trình hoàn thành, mở ra không gian phát triển mang tính liên vùng, kết nối các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ với nhau, tạo điều kiện cho TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc sắp xếp lại dân cư, mở rộng không gian đô thị, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động từ thành thị đến nông thôn. Đồng thời, phát triển kinh tế du lịch, kinh tế nông nghiệp, thương mại - dịch vụ cùng nhiều lĩnh vực khác.

Cầu Châu Đốc là hợp phần trong Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường liên kết vùng (đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc), kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký quyết định phê duyệt vào ngày 29-7-2021. Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp Nguyễn Văn Du cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương 1.493 tỷ đồng, vốn của tỉnh 637 tỷ đồng, thời gian thực hiện 4 năm (2021-2024).

Dự án tuyến đường liên kết vùng có tổng chiều dài 21km; điểm đầu là nút giao với Tỉnh lộ 954 (phường Long Sơn, TX. Tân Châu), điểm cuối là nút giao với Quốc lộ 91 (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc). Dự án có 2 hợp phần chính là đường và cầu. Đường giao thông (tuyến chính) được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Về cầu, dự án sẽ xây 3 cầu bê-tông vĩnh cửu, gồm: cầu Thần Nông, cầu Mương Tri và cầu Châu Đốc.

"Chúng tôi rất vui mừng khi nghe tin cầu Châu Đốc sắp khởi công. Cầu được hoàn thành, TX. Tân Châu không còn là “ốc đảo” nữa, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn. Chúng tôi đang vận động nhau, những nhà nào có đất dính vào dự án hãy hợp tác với chính quyền địa phương, nhanh chóng giao mặt bằng sớm cho các đơn vị thi công” - bà Trần Thị Kiểu (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) phấn khởi.

Cùng với tuyến đường liên kết vùng, cầu Châu Đốc khi hoàn thành sẽ góp phần thông tuyến N1, kết nối các tỉnh Tây Nam Bộ (nằm trên trục hành lang biên giới) lại với nhau, mở ra triển vọng lớn cho phát triển kinh tế du lịch, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng, mở ra nhiều cơ hội phát triển, thu hút đầu tư thời gian tới.

“Công tác giải phóng mặt bằng cho công trình cầu Châu Đốc đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đối với số ít hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu tổ chức đối thoại với những hộ dân này để tìm hướng tháo gỡ. Những gì vượt thẩm quyền trong giải quyết, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh xin ý kiến. Quyết tâm phải giải phóng xong mặt bằng trước thời gian khởi công” - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh An Giang Lê Văn Thanh Tùng thông tin.

 

MINH HIỂN