Cùng một ngày, các đội tuyển quốc gia nam, nữ, U23 Việt Nam biết được các đối thủ của mình tại vòng loại World Cup, ASIAD - hai giải đấu quan trọng của bóng đá Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023.
Chờ bản lĩnh Philippe Troussier
Lá thăm đưa đội tuyển quốc gia nam (hạng 95 thế giới) vào bảng F vòng loại thứ hai World Cup 2026 cùng với Iraq (hạng 70), Philippines (hạng 135) và đội thắng trong cặp Indonesia (hạng 150) - Brunei (hạng 190).
Với 25 bậc nhiều hơn, Iraq rõ ràng được đánh giá cao cho 1 suất đi tiếp. Tấm vé còn lại gần như là cuộc đấu tay đôi giữa Việt Nam và Indonesia (đội gần như chắc chắn góp mặt bảng F).
Ở vòng loại 2018, Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã đánh bại Indonesia với tổng tỉ số 7-1 sau hai lượt trận, nhờ đó giành vé vào vòng ba. Kết quả ấn tượng của người tiền nhiệm giờ là thách thức với ông Troussier.
So với cách đây 4 năm, hành trình vào vòng loại thứ ba dễ dàng hơn khi có 18 vé dành cho các đội nhất, nhì ở 9 bảng, thay vì chỉ chọn 8 đội nhất và 4 đội nhì có thành tích tốt. Chưa kể, mỗi bảng đấu giảm từ 5 xuống còn 4 đội, số lượt trận từ 10 còn 8.
Cơ hội giành vé tăng lên song cũng kéo theo áp lực lớn hơn nếu hành trình không suôn sẻ, thậm chí thất bại. Thành công của HLV Park Hang-seo mặc định là thước đo năng lực, bản lĩnh của người kế nhiệm Philippe Troussier và chiến lược gia người Pháp buộc phải khẳng định mình.
Tuyển nữ Việt Nam vào thế khó ở ASIAD
Môn bóng đá nữ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2023 có tổng cộng 17 đội, chia làm 5 bảng (3 bảng 3 đội, 2 bảng 4 đội), đấu vòng tròn một lượt chọn 5 đội nhất bảng cùng 3 đội nhì có thành tích tốt vào tứ kết.
Lá thăm đưa Việt Nam vào thế khó khi nằm chung bảng D với Nhật Bản, Nepal, Bangladesh. Ở bảng này, đương kim vô địch Nhật Bản sớm được "quy hoạch" cho ngôi nhất bảng.
Tuyển nữ Việt Nam sẽ dự ASIAD với vị thế đội bóng vừa từ World Cup trở về
Tất nhiên, vượt Nhật Bản để nhất bảng là lý tưởng nhất, song khả thi hơn, có lẽ là tìm kiếm tấm vé dành cho 3 đội nhì có thành tích tốt (kết quả của đội nhì với đội xếp chót bảng ở bảng 4 đội phải hủy bỏ khi xét chọn).
Mục tiêu của Việt Nam sẽ là có gắng có điểm hoặc hạn chế bàn thua trước Nhật Bản và thắng càng đậm càng tốt trước Nepal, Bangladesh để gia tăng cơ hội vào tứ kết.
Thành tích tốt nhất của tuyển nữ Việt Nam là vào bán kết năm 2014. Còn ở Á vận hội gần nhất năm 2018, chúng ta góp mặt tứ kết. Hai cột mốc này giờ là thách thức với Huỳnh Như cùng đồng đội, bên cạnh áp lực của đội bóng vừa từ World Cup trở về.
Áp lực hay thách thức vốn song hành với sự phát triển, và mọi đội tuyển đều phải tìm cách đối diện, vượt lên để đạt tới đẳng cấp, cột mốc mới.
ASIAD không áp lực với U23
Lá thăm đưa U23 Việt Nam vào bảng B cùng Ả Rập Xê Út, Iran, Mông Cổ tại môn bóng đá nam ASIAD. Xét về chuyên môn, đây là bảng đấu khó với Việt Nam nhưng lại là kết quả mà chúng ta mong muốn, khi mục tiêu là giúp các tuyển thủ trẻ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm.
U23 với nòng cốt là lứa U20 không phải chịu áp lực thành tích tại ASIAD
Khác với các kỳ đại hội trước, lần này đại diện của Việt Nam tham dự với thành phần nòng cột là U20 (trong khi hầu hết các đội cử U24+3). Đây là lứa cầu thủ được quy hoạch sớm để phục vụ chiến dịch săn vé World Cup 2030. Vì vậy, Liên đoàn bóng đá Việt Nam không đặt chỉ tiêu thành tích nào.
Điều này giúp thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thoải mái bước vào giải, dù trước mắt là các đối thủ mạnh.
Theo An ninh thủ đô