Làm sao khai thác “mỏ vàng lộ thiên” du lịch?

06/11/2019 - 07:53

 - Với lượng khách cố định lên đến 8-9 triệu lượt và tăng dần với tỷ lệ gần 10%/năm, du lịch An Giang là niềm “mơ ước” của nhiều địa phương khác. Đây được xem như “mỏ vàng lộ thiên” cần được tập trung khai thác tốt.

Lượng khách tăng đều đặn

Ghi nhận 9 tháng của năm 2019, ngành du lịch (DL) An Giang đón trên 8,3 triệu lượt khách, tăng gần 4% so cùng kỳ 2018. Doanh thu từ hoạt động DL tăng khá, ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 17,5% so cùng kỳ. Tuy nhiên, dù lượng khách lớn nhưng mức tiêu xài còn thấp. “Theo thống kê, du khách đến An Giang thường chi tiêu trong khoảng 20-54 USD/khách (từ 0,5-1,3 triệu đồng). Không cần so sánh đâu xa, chỉ cần khách đạt mức chi tiêu 120 USD/người như ở Angkor (Campuchia) thì doanh thu từ DL An Giang đã tăng gấp 3-4 lần”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư phân tích.

Ông Thư cho biết, mục tiêu của DL An Giang là cố gắng giữ chân du khách nghỉ lại thêm 1 đêm, khắc phục tính thời vụ của DL. Với lượng khách tăng bình quân 8-10%/năm, nếu giữ được khách nghỉ đêm và mua sắm hàng hóa, sử dụng các dịch vụ DL, doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” này mang lại rất lớn. Trong đó, tiềm năng khai thác khách quốc tế sẽ được phát huy, chứ không dừng lại ở con số dưới 100.000 lượt/năm như hiện nay.

Phần lớn du khách đều thích mua sắm khi đi du lịch

Là người gắn bó với vùng đất Châu Đốc và đã có hơn 35 năm kinh doanh tại thành phố DL này, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn gọi DL An Giang là “mỏ vàng lộ thiên” cần được khai thác tốt. “Ở những địa phương không có lợi thế DL như An Giang, người ta phải tự tạo ra các điểm đến, làm mọi cách kêu gọi khách ghé qua. Trong khi đó, tại An Giang, cứ đến ngày, đến thời điểm là khách lại đến mà không cần mời gọi. Lượng khách tăng đều qua từng năm. Theo tôi đoán từ năm 2020, lượng khách đến An Giang có thể đạt trên 10 triệu lượt, đây là lợi thế tự nhiên mà trong cả nước, không nhiều địa phương có được. Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp (DN) An Giang cần tập trung “bám” lấy lượng du khách này, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho họ là đã mang lại nguồn thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng” - ông Sơn nhận xét.

Để phục vụ du khách tại chỗ, Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) đã dành 500m2 để triển khai giai đoạn 1 của khu đặc sản vùng miền, tạo điểm nhấn để khách mua sắm hàng hóa đặc trưng, vật phẩm lưu niệm có in cảnh đẹp An Giang, đồng thời, bày trí các khung cảnh đẹp để khách “check-in” khi đến với TP. Châu Đốc. Nếu như những năm trước đây, Siêu thị Tứ Sơn thường xuyên tham gia chương trình đưa hàng hóa đi các vùng, miền trong nước thì hiện nay, chỉ tập trung phục vụ người dân An Giang và du khách đến với tỉnh. “Tính ra, phục vụ tại chỗ còn đạt doanh thu, hiệu quả tốt hơn so với “đem chuông đi đánh xứ người”. Vậy thì tại sao mình không tập trung bán hàng khi mà khách tự tìm đến với mình” - ông Sơn nhấn mạnh.

Cần thêm hàng hóa “Made in An Giang”

Những DN đang tập trung sản xuất hàng hóa bán cho du khách đều cho thấy hiệu quả kinh doanh khá tốt. Bên cạnh những sản phẩm mắm Châu Đốc, đường thốt nốt Bảy Núi thì nhiều sản phẩm “Made in An Giang” được nhiều du khách tìm mua về làm quà như: lạp xưởng Tân Hương, khô bò Phú Vinh, bánh hạnh nhân Tiến Anh... “Tâm lý du khách đi DL đến đâu cũng muốn mua sản phẩm được sản xuất ngay tại vùng đất ấy về tặng cho người thân, bạn bè. Chính những món ẩm thực ngon, hàng hóa đặc trưng, hấp dẫn là cách “níu giữ” du khách ở lại ngủ đêm để trải nghiệm và quay lại những lần sau” - TS Bùi Thị Ngọc Phương (Giảng viên bộ môn DL - Khoa DL và Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang) chia sẻ.

Du khách ưa chuộng các sản phẩm “Made in An Giang”

Ở góc độ kinh doanh, ông Tạ Minh Sơn cho rằng, các DN cần xác định nhu cầu khách cần gì để đáp ứng đúng là đã thành công. “Tôi lấy ví dụ như sau khi khách vào viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, tham quan núi Cấm xong thì họ cũng có nhu cầu ăn uống, mua sắm. Đừng nghĩ khách đến Châu Đốc chỉ tìm mua mắm, mua khô; đến Tịnh Biên, Tri Tôn chỉ mua đường thốt nốt mà người ta còn muốn mua thêm những sản phẩm đặc thù của vùng đất địa phương. Quan trọng là khi tạo ra sản phẩm, DN phải chịu khó tiếp cận khách từ mọi hướng. Với sản phẩm mới, phải trực tiếp cho khách trải nghiệm, dùng thử và lắng nghe góp ý để cải tiến, tức là “bắn tên đi trước, bán hàng theo sau”. Chính lời nhận xét, chia sẻ của khách là cách quảng bá sản phẩm tốt nhất” - ông Sơn gợi ý.

Là người rất tâm huyết với DL, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn cho rằng, những năm qua, với quyết tâm của tỉnh, DL An Giang đã có nhiều chuyển biến tốt. “Các khu, điểm DL sạch đẹp hơn, hạn chế vứt rác bừa bãi. Tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách giảm hẳn. Nói chung, tỉnh đã tạo mọi điều kiện để du khách đến An Giang, tạo “mỏ vàng lộ thiên” với trữ lượng ngày càng lớn. Vấn đề là DN An Giang cần suy nghĩ tạo ra sản phẩm, dịch vụ để khách mua sắm, chi tiêu, khai thác bền vững “mỏ vàng” DL. Muốn vậy, tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, tỉnh và các địa phương cần tạo điều kiện cho DN trong tỉnh xúc tiến, quảng bá hàng hóa, đưa sản phẩm tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng”- ông Sơn gợi ý.

“Nếu có các cảnh đẹp, các khu khách sạn, nghỉ dưỡng sang trọng mà không có gì để khách vui chơi, mua sắm về đêm thì khách cũng buồn chán, không thích ở lại. Do vậy, muốn giữ chân du khách ở đêm thì phải có khu mua sắm, ẩm thực đêm với các sản phẩm “Made in An Giang” để phục vụ khách” - ông Tạ Minh Sơn gợi ý.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN