Lan tỏa những tấm lòng nhân ái

18/07/2022 - 07:49

 - Thời gian qua, có rất nhiều những tấm lòng nhân ái trên địa bàn tỉnh An Giang cùng chung tay, góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Những việc làm nghĩa tình ấy đã tiếp thêm nguồn lực, giúp người gặp hoạn nạn vượt qua nghịch cảnh, hướng đến cuộc sống mới tươi đẹp hơn.

Bếp ăn từ thiện Hội Chữ thập đỏ Trung tâm Y tế huyện Châu Phú nấu cơm cho bệnh nhân nghèo

Mỗi cá nhân, tập thể là một câu chuyện thực tế cảm động về những việc làm bình dị mà cao quý về lòng nhân ái, yêu thương con người. Tuy hàng ngày vẫn phải dốc sức trong cuộc mưu sinh nhưng họ vẫn yêu đời, yêu người, sẵn lòng dành số tiền tiết kiệm để giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn hơn mình.

Điển hình như những suất cơm, cháo, nước sôi miễn phí từ bếp ăn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Trung tâm Y tế huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) được cấp phát mỗi ngày đã giúp người bệnh thêm ấm lòng. Đây là sự chung tay của cả cộng đồng, khi người giúp tiền, góp công, người ủng hộ thực phẩm, nhờ vậy bếp ăn được duy trì và trở thành nơi “cứu cánh” cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo. Đến bếp ăn từ thiện mới thấy được hết tấm lòng của những người luôn hướng cái tâm, cái thiện đến với người nghèo. Đó chính là những thành viên của bếp ăn đã cùng san sẻ khó khăn trong bệnh tật bằng những bữa cơm, bữa cháo luôn đầy ắp tình người.

Với suy nghĩ rất đơn giản là giúp một tay cho những người đang gặp hoạn nạn thêm ấm lòng. Từ đó, đã có rất nhiều người mang tấm lòng thiện nguyện đến đây để đóng góp công sức, phục vụ cho bếp ăn, như: Phục vụ nấu ăn, phát cơm, cháo, nước nóng và lau dọn… Nhờ vậy, bếp ăn đã duy trì ổn định việc phục vụ bữa cơm miễn phí trong suốt thời gian qua.

Mỗi ngày, khi trời chưa sáng, các thành viên của bếp ăn từ thiện đã thức dậy chuẩn bị bữa cháo sáng cho mọi người. Sau đó, quay lại chuẩn bị 2 buổi cơm được phát vào buổi trưa và buổi chiều. Việc thì luôn tay, luôn chân nhưng bếp ăn lúc nào cũng diễn ra trong không khí vui vẻ, người nào việc đó, đã được phân công cụ thể. Trung bình mỗi ngày, bếp ăn phục vụ khoảng 250 suất cơm, cháo và nước nóng miễn phí phục vụ 24/24 giờ, kể cả ngày lễ, Tết.

Với ý nghĩa nhân văn đó, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ kinh phí để bếp ăn duy trì hoạt động và ngày càng phát huy được hiệu quả. Trong thời gian từ năm 2016 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Trung tâm Y tế huyện Châu Phú đã vận động gạo, tiền, vật phẩm từ các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền trên 5,8 tỷ đồng để phục vụ cơm, cháo, nước sôi mỗi ngày 3 buổi và chuyển bệnh miễn phí cho các bệnh nhân và thân nhân người bệnh.

Tấm lòng nhân ái không chỉ trong các tổ chức xã hội - từ thiện mà còn lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến từng cá nhân. Trong đó, có cô Mai Thị Bích Thủy, người dân phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bằng tấm lòng thiện nguyện, gắng sức làm đẹp cho người, cho đời, cho quê hương. Mỗi ngày qua đi, cô Thủy mong muốn được góp sức một phần nào đó vào công tác chăm lo hỗ trợ khó khăn, chia sẻ, lan tỏa yêu thương giữa người với người.

“Tôi thấy xã hội ngoài kia vẫn còn đâu đó bà con gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày, nên tôi mong muốn được giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn” - cô Thủy chia sẻ.

Từ suy nghĩ đó, thời gian qua, cô Thủy đã tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương chăm lo cho công tác an sinh xã hội. Đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, cô Thủy và những người thân trong gia đình đã đóng góp hiện vật khoảng 800 triệu đồng chăm lo cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, như: Ủng hộ 200 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo vui xuân đón Tết, mỗi phần trị giá 350.000 đồng; hỗ trợ 2.000 phần quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn nhân dịp các ngày rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10, mỗi phần trị giá 200.000 đồng; tích cực trong công tác phòng, chống dịch, công tác tiếp đón công dân từ các tỉnh về, công tác tiêm vaccine phòng dịch.

Bên cạnh đó, cô Mai Thị Bích Thủy còn đóng góp cho Quỹ Khuyến học phường để trao tặng phần quà cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, mỗi phần 500.000 đồng. Ngoài ra, cô còn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài phường đóng góp xã hội từ thiện để thực hiện cất, sửa nhà, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn... Từ những ngôi nhà kiên cố, người nghèo đã “an cư”, có thêm điều kiện và động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Điển hình như cô Hồ Thị Hà (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) với những việc làm hết sức bình dị nhưng không kém phần ý nghĩa là trồng thuốc nam giúp bệnh nhân nghèo. Gắn bó với nghề trồng thuốc nam gần 20 năm, với mảnh vườn rộng gần 3.000m2, cô Hồ Thị Hà trồng hàng chục loại thuốc khác nhau. Hàng năm, các nhà thuốc nam trong và ngoài địa phương, kể cả các nhà thuốc nam các huyện, tỉnh lân cận đến khai thác trên 30 tấn thuốc mỗi năm, tất cả đều miễn phí.

Không chỉ là người phụ nữ có tâm với việc trồng thuốc nam giúp bệnh nhân nghèo, cô Hà còn tham gia nhiệt tình các phong trào của Hội Phụ nữ địa phương, thường xuyên giúp đỡ hội viên, phụ nữ, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Trong đợt dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại thị trấn Vĩnh Bình, cô trao tặng gạo, nhu yếu phẩm để các hội viên và phụ nữ an tâm phòng, chống dịch. “Nếu còn sức khỏe tốt thì tôi vẫn tiếp tục dùng phần đất của mình để trồng thuốc nam giúp cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và tích cực tham gia công tác Hội Phụ nữ ở địa phương” - cô Hồ Thị Hà chia sẻ.

Vẫn còn rất nhiều tấm lòng nhân ái của các tổ chức, cá nhân đã chung tay san sẻ, đồng cảm số phận không may trong cuộc sống. Việc làm thiện nguyện của họ đã trở thành những câu chuyện đẹp. Tất cả những tấm gương ấy đều đáng ngưỡng mộ, tôn vinh và cần được biểu dương nhân rộng.

TRỌNG TÍN