Căn nhà 1 trệt, 2 lầu, với tổng diện tích 103,3 m2, có sức chứa 44 bệnh nhân (chưa kể người thân theo nuôi), mỗi tầng được trang bị giường 2 tầng, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, với đầy đủ trang thiết bị. Tổng kinh phí xây dựng và đầu tư trang thiết bị trên 2,8 tỷ đồng do Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ. Nơi đây là ước mơ của những người chạy thận và thân nhân. Ngôi nhà chung này giúp họ vơi đi nỗi lo về chỗ ở, mang ý nghĩa vật chất và động viên tinh thần bệnh nhân thận có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ngịch cảnh, “chiến thắng” số phận.
Gần 11 giờ trưa, căn nhà lưu trú của những bệnh nhân thận càng thêm ấm cúng vì mọi người quây quần bên nhau cùng xem thời sự. “Không chỉ được trang bị ti-vi, nội thất mới, nhà lưu trú bệnh nhân suy thận còn được trang bị thang máy hiện đại. Điều này giúp việc di chuyển của bệnh nhân thêm thuận tiện. Chỉ vài người bệnh là có người nhà theo chăm sóc. Thấu hiểu sự đau đớn của bệnh tật, những người tìm đến nương tựa dưới “mái nhà chung” này đều yêu thương nhau. Người bệnh nhẹ giúp người bệnh nặng hơn, người trẻ giúp người già, đùm bọc nhau qua ngày” - ông Phạm Văn Ai (53 tuổi, ngụ huyện Tịnh Biên) chia sẻ.
Những bệnh nhân thận ở nhà tạm trú luôn yêu thương, giúp đỡ nhau
Vì lịch chạy thận của con gái là 3 lần/tuần, nhà xa, sức khỏe không cho phép, 4 năm nay, bà Trần Thị Bảy (71 tuổi, quê huyện Phú Tân) kiên nhẫn nuôi cô con gái đang bị bệnh thận nên nương nhờ ở Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và Người già cô đơn TP. Long Xuyên.
“Khi nhà lưu trú của bệnh nhân chạy thận được đưa vào sử dụng, con đường “chiến đấu” bệnh tật của chúng tôi vơi đi rất nhiều khó khăn. Tuy phải đối mặt với bệnh tật từng ngày nhưng chúng tôi thấy rất may mắn vì nhận được yêu thương của nhiều nhà hảo tâm với những phần quà, tiền mặt hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân thận tại nhà tạm trú này” - bà Bảy nói trong sự cảm kích.
Dọn vào nhà tạm trú này gần 3 tháng, nhưng niềm vui dâng đầy trong đôi mắt của những mảnh đời đang phải sống bám vào máy chạy thận nhân tạo. Ai cũng vui mừng khôn tả về không gian sinh hoạt mới tiện nghi, thoáng mát, vững chãi.
"Được sống trong sự tiện nghi, sạch sẽ, chúng tôi hết lòng biết ơn” - cô Lê Thị Nga (59 tuổi, quê huyện Phú Tân) bày tỏ. Theo chia sẻ, cô Nga phải chạy thận năm 2018. Từ khi chạy thận 3 ngày/tuần, cô Nga phải xin ở tạm trú như bao bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nơi đây. Chật vật một mình không người chăm sóc nhưng cô Nga chưa từng cảm thấy đơn độc khi chống chọi với bệnh tật. Bởi, ở nhà tạm trú này, cô Nga luôn được giúp đỡ mỗi khi cần.
Góp lời khi nghe những người đồng cảnh chia sẻ, chị Nguyễn Thị Tuyết Vân (35 tuổi, quê huyện Phú Tân) cho biết, từ năm 29 tuổi, chị đã phải chạy thận. 5 năm qua, chị nương nhờ ở Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và Người già cô đơn TP. Long Xuyên để thuận tiện cho lịch chạy thận 3 ngày/tuần. Chẳng có người thân chăm lo, bữa cơm hàng ngày của chị Vân phần nhiều nhờ thân nhân của những bệnh nhân thận ở cùng nhà tạm trú hỗ trợ.
“Mọi người tốt lắm, sẵn sàng nấu giúp tôi bữa cơm hay đưa rước tôi đến bệnh viện chạy thận. Dù không người thân chăm sóc nhưng ở đây, tôi luôn cảm nhận được tình thân. Một mình chống chọi với bệnh tật, được ở trong ngôi nhà to, đẹp hơn cả ngôi nhà ở quê là món quà lớn, động viên tôi tiếp tục mạnh mẽ vượt qua bệnh tật” - chị Tuyết Vân chia sẻ trong hơi thở mệt nhọc.
Nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận là minh chứng của tinh thần “Tương thân tương ái”, mang tính nhân văn sâu sắc và nhiều tấm lòng nhân ái. Điển hình, ông Phạm Văn Ai - “tài xế” đưa rước miễn phí tất cả bệnh nhân nương nhờ nhà tạm trú đi chạy thận đều đặn theo lịch của từng người.
Một ngày của ông Ai bắt đầu bằng việc đưa bệnh nhân thận và thân nhân của họ đến bệnh viện từ 4 giờ sáng đến 7 giờ tối. Những ai không có người nhà chăm sóc, ông túc trực bên cạnh để khi cần có thể hỗ trợ. “Ở đây, chúng tôi rất quý chú Ai vì những nghĩa cử cao đẹp mà chú đã làm cho tất cả mọi người” - chị Tuyết Vân bày tỏ.
Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Bảo Châu cho biết: “Những bệnh nhân thận tạm trú nơi đây đều rất đùm bọc, yêu thương nhau. Mỗi người là một hoàn cảnh nhưng có điểm chung là mắc bệnh hiểm nghèo. Đến đây, họ cùng nương tựa, hỗ trợ nhau trong mọi việc”.
Việc phải chạy thận 3 lần/tuần khiến những bệnh nhân nhà ở xa chọn hành lang bệnh viện làm “nhà” trong thời gian dài. Để giúp bệnh nhân suy thận ở xa tiết kiệm chi phí điều trị, có nơi nghỉ ngơi trong thời gian chạy thận, ngày 15/12/2022, Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên khánh thành Nhà tạm trú cho bệnh nhân suy thận. Mơ ước bấy lâu của những bệnh nhân suy thận về một “mái nhà chung” trở thành hiện thực.
|
PHƯƠNG LAN