Lãng du cồn Phó Ba

02/03/2023 - 06:54

 - Rời quê Chợ Mới, duyên phận đưa đẩy ông Lê Anh Tuấn (sinh năm 1956) lấy vợ, lập nghiệp ở cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Mấy chục năm trời gắn bó, ông biết rõ từ đầu cồn đến đuôi cồn, biết cả sự đổi thay của xứ sở này. Với chúng tôi, cồn Phó Ba chỉ là cuộc lãng du ngắn, nhưng với ông, là cả một đời.

“Ấp nhiều không”

Ở đô thị Long Xuyên, xã nằm biệt lập “riêng một góc trời” như Mỹ Hòa Hưng đã là chuyện lạ rồi. Vậy mà, ấp Mỹ Thạnh lại tách ra khỏi xã, tạo thành cồn nhỏ xíu cạnh bên. Ông Tuấn ví von, cồn Phó Ba như đứa con đeo theo mẹ - cù lao Ông Hổ. Chỗ gần nhau giữa 2 cồn đôi khi chỉ vài mét. Đoạn hở đó được người dân địa phương gọi là “khai long”. Họ chờ đất bồi lên, 2 cồn dính vào nhau (như câu chuyện của cồn Phó Quế nhập vào đất liền thuộc phường Mỹ Long hiện giờ). Nhưng không, cồn Phó Ba dù bồi rồi lở, vẫn nhất quyết sống tự lập với “cù lao mẹ”.

Không ở chung với mẹ, nên đứa con ấy còi cọc mà lớn. Hàng chục năm, người dân, chính quyền địa phương, báo chí cứ đau đáu về chuyện “xóa ấp nhiều không”: Không điện, không nước, không đường, không trường, không trạm, không khách du lịch, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 10 năm trước, ông Tuấn từng than thở với tôi: “Chiều tối, nhìn từ bên này sang ánh đèn đô thị ở Long Xuyên mà chạnh lòng. Cách nhau chừng 500m đường sông, mà sao cách biệt vô cùng”.

Ngược lại gần nửa thế kỷ, lúc mới về đây, ông ngỡ ngàng với “cuộc sống mới” - cái gì cũng thiếu, riêng vất vả lại thừa! Nước sông “bao la”, để dành sinh hoạt lẫn ăn uống. Điện bình duy trì phần nào nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, nhưng đến đêm, cồn Phó Ba chìm trong thinh lặng. Người bệnh nặng cỡ nào, cũng đành chờ chuyến đò cập bến rước đi. Tụi nhỏ đi học bập bõm, rồi nghỉ. Trường ở bên kia sông, cha mẹ đâu thể đón đưa ngày mấy bận.

Dần dần, từng cái “không” bị xóa đi. Hệ thống cấp nước Mỹ Thạnh (trực thuộc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được xây dựng, công suất 10m3/giờ, bà con tha hồ sử dụng. 4 năm nay, anh Trần Văn Hiền được phân công về quản lý nơi này. Bà con vui vì có nước sạch, nhưng anh lại buồn vì xa quê, cuộc sống vắng vẻ. Đến khi “ở đâu quen đó” thì anh lại trở thành… rể xứ này, thật sự gắn bó rồi.

Mong muốn “ấp nhiều có”

Năm 2015, điện về với ấp Mỹ Thạnh. Đây là bước ngoặt lớn, giúp đổi thay cồn Phó Ba. Ban đêm, đèn đuốc sáng hẳn lên, người dân bớt chạnh lòng, tiếp cận thêm nhiều tiện ích hiện đại. Đời sống vật chất đi lên, kéo theo tinh thần cũng phơi phới. Khách du lịch đi chợ nổi Long Xuyên, du lịch sinh thái cù lao Ông Hổ, nghe nhắc tới cồn Phó Ba, liền tìm đến. Vậy là ấp Mỹ Thạnh đón nhiều đợt khách tham quan. Dân địa phương đưa du khách ra bãi tắm bùn, trải nghiệm câu tôm, cào hến, vui mát trời.

“Sống ở đây hơn nửa đời người, tôi thích nhất là không gian bình yên, đúng chất miền Tây. Cả ấp hơn 1.000 người, ai cũng biết mặt nhau. Hổng biết sao được, cái ấp có chút xíu, cùng lớn lên, cùng già đi, gặp mỗi ngày. Trộm cắp vào đây hành nghề chỉ có nước thất bại, vì người lạ lảng vảng bị phát hiện liền, đường nào chạy thoát. Nhà ai có sự kiện gì, cả ấp đến chung vui, chia buồn. Tôi mở sân bóng đá, là điểm sinh hoạt thể thao duy nhất trên cồn, lấy tiền tượng trưng 3.000 đồng/người lớn, cho tụi nhỏ chơi mệt nghỉ” - ông Tuấn dắt chúng tôi đi khắp cồn, tự hào chia sẻ.

Theo Trưởng ban Nhân dân ấp Mỹ Thạnh Nguyễn Thanh Phước, ấp có 318 hộ, 1.247 nhân khẩu. Trong gần 30ha diện tích tự nhiên, người dân dành 6,2ha trồng cây hàng năm; 6,8ha cây lâu năm; 4,5ha nuôi trồng thủy sản, phần còn lại là đất phi nông nghiệp. Cán bộ địa phương tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thị trường và nhu cầu tiêu thụ. Hiện có 26 hộ nuôi cá bè (103 lồng, bè), chủ yếu là cá chim, điêu hồng, rô phi; 5ha thả nuôi cá tra, cá tra bột và cá lóc, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Nhưng, ước vọng của người dân cồn Phó Ba còn nhiều lắm. Mức thu nhập của họ hiện chưa thể theo nhịp phát triển của xã hội. Họ sống dựa vào thủy sản trên dòng sông Hậu, thì thủy sản dần cạn kiệt. Họ mượn cây lúa, cây trái để mưu sinh, thì nông nghiệp lại bấp bênh. Con em muốn đến trường, ngoài nỗ lực vượt sông, vượt khó, vẫn phải nhìn lại kinh tế gia đình… Chưa có cơ sở y tế, chưa tháo gỡ vướng mắc về đất đai, người dân sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Họ muốn trở thành “ấp nhiều có” - gì cũng có, giống như mọi nơi khác. Theo góc nhìn của ông Tuấn, chỉ cần một nhà máy, khu chế xuất thủy sản hoặc nông nghiệp được xây dựng trên địa bàn ấp, chắc chắn lao động địa phương quy tụ đông đảo. Nếu chọn phát triển theo hướng du lịch, cồn Phó Ba còn rất nhiều tiềm năng để khai phá, đầu tư. Họ kỳ vọng, ngày nào đó, cảnh sống êm đềm này đủ sức hấp dẫn khách phương xa đến lãng du, thay vì họ phải rời quê tha hương!

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Hà Quốc Sử, địa phương được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn xã nói chung, cồn Phó Ba nói riêng đều nằm trong kế hoạch khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có (về đất đai, sản xuất rau màu, cây ăn trái, đặc sản…) của miền cù lao sông nước để thu hút khách tham quan, du lịch; tạo việc làm cho lao động địa phương.

VẠN LỘC