Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết, mấy người bán tò he trong hội chợ ấy đều là người thân trong gia đình, lưu lạc từ Hà Tây đến tận An Giang. Họ theo nghề “cha truyền con nối” hàng chục năm nay, từ khi là thiếu niên, thời điểm tò he vẫn được ưa chuộng. Lúc trước, đông người bán thế nào cũng chẳng lo ế. Giờ, chỉ còn vài mươi người mà lại khó sống nổi với nghề.
Thấy vậy, gia đình anh Trần Văn Tùng (36 tuổi) quyết định “Nam tiến”. Họ đem toàn bộ tài sản là các khối bột màu, chiếc xe gắn máy cà tàng, cùng đi tàu hỏa vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Khổ nỗi, mảnh đất ấy phồn hoa, trẻ con đâu dành thời gian cho tò he nhỏ xíu, quê mùa!
Vậy là họ lại ra đi. Hễ biết tỉnh nào có hội chợ, dù lớn dù nhỏ, họ cũng đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng tìm đến. Xề tò he chiếm một góc khiêm tốn trong hội chợ dập dìu người qua lại. Họ cùng nhau ăn cơm hộp, ngủ tạm bợ mấy đêm ở nhà trọ rẻ tiền để tiết kiệm tối đa chi phí.
Đến khi hội chợ tỉnh này kết thúc, họ lại chất đồ đạc lên xe, di chuyển sang hội chợ tỉnh khác. “Hầu như hội chợ diễn ra thường xuyên ở các tỉnh phía Nam. Nếu chịu khó nắm thông tin, tìm đến đó bán thì vẫn có thu nhập cao hơn bán ở bên ngoài. Hôm nào vắng hội chợ, mọi người chia nhau đi bán trước cổng trường tiểu học”- anh Trần Văn Hùng (em anh Tùng) chia sẻ.
Xề tò he của gia đình anh Hùng
Vẫn luôn tay nặn tò he đợi khách, họ kể tôi nghe “bí quyết” của nghề. Tò he được làm từ bột nếp, phẩm màu, que tre. Giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ nghiền nhỏ theo tỷ lệ 1kg gạo tẻ với 100gr gạo nếp. Nhào bột với nước cho đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, vê thành cục. Cho cục bột vào nồi nước đang sôi để 1 giờ đồng hồ đến khi bột nổi, chìm rồi lại nổi thì vớt ra, để nguội, nhuộm màu cho bột. Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ cây nhà lá vườn: màu xanh từ lá cây, màu đỏ từ gấc, màu vàng từ nghệ, màu đen từ tro bếp, lọ nồi...
Đám trẻ con chơi tò he chán, bỏ vào miệng ăn cũng không độc hại gì. Chịu khó chờ tò he khô bột, có thể chưng được vài tháng. Sau này, người ta chuyển sang mua bột sẵn từ các cửa hàng cho tiện. Chỉ vài mươi nghìn đồng, đã đủ nguyên liệu làm ra cả trăm con tò he. Nhưng nguyên liệu nhiều hóa chất, phẩm màu hơn trước, tò he chỉ để chơi, người bán luôn miệng dặn tụi nhỏ đừng ăn.
Chỉ bằng mấy khối bột màu cơ bản: đen, trắng, đỏ, vàng, xanh, cùng cây lược nhỏ bẻ rụng vài cái răng, sau ít phút họ đã “hóa phép” ra Tôn Ngộ Không, nàng tiên cá, thủy thủ mặt trăng, các con vật ngộ nghĩnh... trên que tre, giá chỉ 15.000 đồng/con. Những chi tiết nhỏ được chăm chút trên tò he, khiến hình ảnh sống động như thật.
Bột màu vô tri vô giác, qua tay họ trở thành muôn hình vạn trạng đáng yêu, thu hút. Có đứa trẻ khó tính yêu cầu phải nặn cho chúng Sôn-gô-kư trong phim hoạt hình “Bảy viên ngọc rồng”, với mái tóc màu vàng, quần áo màu cam, đuôi màu nâu, giày màu đen, tay cầm gậy đỏ. Có đứa thích nặn chiếc xe hơi màu xanh, nhất quyết không lấy chiếc xe hơi màu vàng vừa được nặn sẵn. Người bán đều vui vẻ chiều lòng “thượng đế nhí”. Bởi vậy, họ luôn phải “cập nhật” những nhân vật mới trên tivi, hình vẽ để nghiên cứu cách nặn, theo kịp thị hiếu của các cháu.
Buổi tối, ở hội chợ đông ken người, mỗi xề tò he của họ bán được vài chục con. Lâu lâu, có vị khách nhờ nặn chân dung mình, giá vài trăm ngàn trở lên, họ cũng tỉ mẩn làm, lòng vui mừng vì có thêm khoản thu nhập lớn. Đến khi trời khuya nổi lên cơn gió lành lạnh, khách xúm nhau đi xem ca nhạc, họ lặng lẽ dọn hàng, rời đi.
“Đi thế này có chút đỉnh tiền, nhưng trừ sở hụi trên đường, công cán vất vả, chẳng dư bao nhiêu, cực khổ lắm. Nếu có tí vốn, chắc chúng tôi chuyển nghề, không thể theo mãi được. Món đồ chơi dân gian này sao có thể cạnh tranh nổi với nhiều đồ chơi hiện đại trên thị trường! Nếu theo nghề, phải có vốn để mở cửa hàng, bán buôn nhiều thứ mới trụ nổi. Lâu lắm rồi, chúng tôi chưa về quê. Mỗi lần về lại cân nhắc tiền bạc, chưa kể thất thu vì không mua, bán được. Mỗi năm về 1 lần là quý lắm rồi...”- anh Hùng nhẩm tính.
Cả một quãng đời họ lang bạt, lãng du cùng tò he. Yêu nghề thì vẫn yêu đấy, nhưng sao nghe đắng cay, vất vả thế nào. Nếu có khách trân trọng, yêu thích tò he thì họ được xem như nghệ nhân. Còn khi không cho buôn bán hàng rong thì thoắt cái, họ lại trở thành người vi phạm. Mấy con tò he cắm trên xề cũng khô nứt, buồn thiu nhìn quãng đường dài vô định…
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG