Mấy mươi năm, làng quê len lén trở mình thành phố thị. Đồng ruộng vẫn xanh mướt mắt như hồi nào, nhưng bó chặt trong bờ đê “kín cổng cao tường”. Người ta cứ tiếc hùi hụi cái thời nước tràn đồng, nước vỡ òa xóa nhòa ranh giới của đất. Nhưng người ta chẳng thể phủ nhận, chuyện gì cũng có hai mặt. Được này, mất kia, được vụ lúa thì bớt đi mớ cá ngoài đồng. Muốn “sống chung với lũ”, cũng phải xem lại lũ có còn muốn sống chung với con người…
Mà tâm lý người đời lại thích hoài niệm về những gì đã vuột khỏi tầm tay. Xuôi theo con nước ở Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An), chúng tôi tìm đến đồng Bàng (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), nơi còn phần nào hình bóng đồng nước nổi trước đây. Thật ra, mọi thứ phai nhạt nhiều. “Hồi xưa đâu có mấy con kênh này. Xung quanh chỉ toàn là cỏ năng, nước cạn xiều tới đầu gối. Cá nhiều dữ dằn, ăn thoải mái luôn. Khoảng năm 1978 - 2000, ngồi trên sàn, cá chạy đàn đàn ngó thấy, thậm chí trườn lên sàn nhà, lòi cả lưng. Cha tôi bắt lên để cả nhà ăn, chớ bán ai mà mua, ê hề hết trơn. Ra ngoài hè, chọt ổ kiến vàng đem làm mồi, bỏ cần câu chút xíu rồi giựt lên, cá bu lềnh nước, mặc sức ăn” - ông Nguyễn Công Bình (người dân địa phương) kể lại.
Ông Bình mưu sinh trên đồng nước nổi
Ông Bình hóm hỉnh cho biết, mình đang độ tuổi “nửa trăm”. Sống qua 2 thế hệ, mọi thứ đổi thay chầm chậm, đến lúc giật mình nhìn lại, ông chợt tiếc nuối: Bao giờ cho đến ngày xưa? Con nước gắn liền với cuộc sống mưu sinh của ông, chi phối nguồn thu nhập, chi phối cả quyết định “mần nữa hay thôi”. Nước lên, cánh ruộng trầm mặc đón phù sa. Nhàn rỗi việc nông, ông đi soi ếch nhái, cá, rắn… từ chiều đến sáng hôm sau. Bắt được càng nhiều, ông càng an lòng, giấc ngủ bù ban ngày cũng đỡ chập chờn hơn. Lao lực miết, mới ngoài 30 tuổi, mắt ông kém dần.
Cái nóng hầm hập của bóng đèn rọi trên đầu khiến nước mắt ông cứ chảy, cái nhìn nhập nhèm ánh sáng. Phần vì cá mắm ít hơn hẳn, đi tay không về thất vọng. Ông Bình chặc lưỡi: Thôi, bỏ nghề. Rồi ông tiếp tục làm ruộng, các vụ mùa nối tiếp nhau. Nước bị ngăn tầng này, đê nọ, câu chuyện “biến đổi khí hậu” được nhắc liên tục. Nhìn con nước năm nay, ông bùi ngùi: “Lũ năm nay nhỏ, mà về muộn. Thường, nước về muộn thì rút muộn. Không biết mùa này con nước thế nào? Mấy hôm trước, hễ trời mưa thì nước lên khoảng 2 tấc, ngừng mưa thì nước rút. Chẳng mấy hồi mà đồng trơ đáy”.
Lũ dềnh dàng ghé, người dân chưa kịp nhận ra, thì lại trôi dần về cuối mùa. Chúng tôi tranh thủ những ngày ít ỏi còn lại, rong ruổi trên cánh đồng nước chẳng cao, chẳng thấp. Thi thoảng, vẫn bắt gặp hình ảnh người dân chèo xuồng giăng câu, giăng lưới, đặt dớn… quen thuộc của miền Tây. Được chăng hay chớ, sinh kế theo con nước cũng bấp bênh. Lũ chẳng hào sảng mang về nguồn lợi như thuở nào, nên người ta đành cong lưng trên đồng, mót từng sản vật.
Điển hình như câu chuyện về ốc bươu vàng. Ông bà hay cằn nhằn “2 con ốc phá 1 thước vuông”. Lúa cao cao, chúng cắn ngang, bỏ đó, cái gì cũng đục khoét lem nhem. Hồi đám ốc lát lên ngôi, ốc bươu vàng chỉ để làm thức ăn chăn nuôi. Vậy mà giờ, mấy thứ ốc kia hiếm dần, người ta tìm mua ốc bươu ăn cho đỡ thèm, bất giác thích cái giòn dai đặc trưng của chúng. Người quê lại men theo ruộng nước, vớt từng con ốc, đem về sơ chế, bán được đồng nào hay đồng đó, vừa giúp nhà nông bảo vệ mùa màng vừa có chút thu nhập... Dân sành ăn, thích nồi ốc kho tiêu sả thật cay, hoặc hấp lá gừng chung với ba rọi bằm nhuyễn, đơn giản hơn là quăng ốc vô nồi lẩu… coi như đặc sản đồng quê miệt vườn.
“Mấy tiếng đồng hồ buổi sáng, lòng vòng khoảnh ruộng, tôi có thể bắt được vài ký ốc. Đem về sơ chế, bán lại cho thương lái, bỏ túi chừng vài chục ngàn đồng tiền chợ. Dịch bệnh ảnh hưởng, kiếm được đồng nào mừng đồng đó, chứ ngóng cá ngon nặng tay coi bộ khó lắm rồi!” - ông Trần Văn Họa (55 tuổi) đẩy nhẹ mũi xuồng, quẩn quanh tâm tình dưới chân cầu Tha La (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bày tỏ. Vẫn có ý kiến này kia về loại thực phẩm này, nhưng chúng dày đặc trên đồng, ông và mọi người không bắt, chúng lại sinh sôi, cắn phá.
Vài hôm nữa, nước sẽ cạn, cánh đồng trở về với cây lúa xanh tươi. Nghĩ cũng lạ, hồi xưa cứ ào ạt chạy lũ, giờ nhấp nhổm ngóng lũ. Chúng tôi dạo quanh mấy cánh đồng nước nổi với tâm thế “tranh thủ”, lưu giữ khoảnh khắc này, sợ rằng chẳng mấy chốc nữa thôi, nước nổi sẽ là “đặc sản” chỉ còn trong ký ức. Cũng sợ rằng, văn hóa đặc trưng của mùa nước, của xứ miền Tây sẽ theo đó mà phai phôi, mà nhạt nhòa, mà lặng lẽ trôi về trong tâm tưởng của những thế hệ đã từng vấn vương, lãng du cùng con nước…
GIA KHÁNH