Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả Chỉ số PCI năm 2022 của An Giang chưa như kỳ vọng (giảm 37 bậc, đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố). “Những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh ngày càng giảm sút. Điều này cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang tồn tại nhiều dấu hiệu bất ổn. Mục tiêu huy động vốn ngoài ngân sách để bổ sung vào vốn đầu tư toàn xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể tác động lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trăn trở.
Để khắc phục vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), các sở, ngành tổ chức Hội nghị thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, hỗ trợ DN những tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo. “Với mục tiêu cuối cùng là làm hài lòng doanh nghiệp (DN), hội nghị đã tập trung phân tích, mổ xẻ các vấn đề còn vướng mắc, tạo cầu nối chia sẻ thông tin, xác định nhu cầu DN, cách thức hỗ trợ, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của DN nhanh và hiệu quả nhất” - Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Minh Tâm nhấn mạnh.
Kỳ vọng PCI của tỉnh sẽ được cải thiện, tạo tiền đề cho việc bứt phá những năm tiếp theo
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch An Giang Phan Phạm Cảnh Toàn thẳng thắn: “Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh hoạt động khá hiệu quả, giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, đó là ở cấp tỉnh, còn ở 11 huyện, thị xã, thành phố, bộ phận “Một cửa” có làm tốt hay chưa, hay xuống huyện chỉ lên tỉnh. Do đó, các hồ sơ, thủ tục cần giải quyết có liên quan từ 2 cơ quan trở lên phải hết sức quan tâm. Ví dụ, chúng ta bị vướng nhiều nhất là về dự án đầu tư, thường thay đổi thành phần lãnh đạo tham dự các cuộc họp để giải quyết đầu tư cho DN, đã dẫn đến sự chậm trễ. Tôi nghĩ đó cũng là nguyên nhân làm cho DN, nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chỉ số PCI của tỉnh”.
Từ dẫn chứng trên, ông Toàn đề xuất: “Nếu chúng ta đã có Tổ đầu mối hỗ trợ DN, cần phải phát huy, có trách nhiệm theo dõi và hỗ trợ tối đa cho DN, báo cáo Giám đốc Sở KH&ĐT, lãnh đạo UBND tỉnh về dự án DN đăng ký, lý do vì sao chậm trễ, để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết rốt ráo”.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ An Giang Nguyễn Thị Mỹ Linh mong muốn: “Tỉnh nên tổ chức hội nghị triển khai các chỉ số thành phần trong Chỉ số PCI. Thực tế hiện nay, DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn. Về phía các sở, ngành, ngoài cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính thôi chưa đủ, tôi nghĩ vấn đề còn nằm ở thái độ của cán bộ trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với DN. Các DN đánh giá hoạt động của tỉnh cũng dựa vào thái độ tiếp xúc, giải quyết vấn đề của cán bộ. Ví dụ, có 1 DN trẻ kêu, muốn xin đăng ký sở hữu trí tuệ, qua Sở Khoa học và Công nghệ được đưa cho các thông tư, nghị định dày cộm, đọc không hiểu. Thay vì người có chuyên môn hướng dẫn cụ thể, tích cực hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn”.
Doanh nghiệp nêu ý kiến đề xuất thúc đẩy các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh
Phó Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Nguyễn Hoài Tâm đề xuất: “Dự án liên quan nhiều sở, ban, ngành nên ngồi lại, phối hợp để thống nhất, giải quyết cho DN. Riêng mô hình “Cà-phê doanh nghiệp” nên họp theo chuyên đề và khi họp có đủ lãnh đạo các, sở, ngành dự, để gỡ khó cho DN”.
Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng: “ĐBSCL là khu vực trù phú, chiếm 20% dân số cả nước, nhưng số DN chiếm chưa đến 7,5% cả nước. Trong khi một nền kinh tế, một trung tâm muốn phát triển phải có 2 yếu tố là số lượng và chất lượng. “Cuộc đua” PCI và xây dựng môi trường kinh doanh là trách nhiệm của chính quyền các địa phương và sự đồng lòng, đồng thuận của DN. An Giang nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng tại sao kết quả không tốt, phải chăng có sự “không hiểu nhau” giữa chính quyền địa phương và DN”.
Để dỡ bỏ vách ngăn mù mờ này, ông Nguyễn Phương Lam kiến nghị: “Phải làm cho DN cảm nhận được những cải cách mà chính quyền đang triển khai. Trước tiên, cần đẩy mạnh giới thiệu, truyền thông điệp chính quyền đang làm tốt để DN biết, tạo sức lan tỏa. Thứ hai, phải đối thoại, gặp gỡ DN, ít nhất 2 lần/năm, chuẩn bị kỹ nội dung trước, có đánh giá, phân tích, khả năng giải quyết... Đối với Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, phải có sự giám sát, có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cần chuyển ý kiến, khó khăn của DN thành một hệ thống báo cáo đầy đủ cho lãnh đạo địa phương, để có hướng giải quyết. Đồng thời, chuyển tải thông điệp tích cực cho cộng đồng DN hiểu được những nỗ lực chính quyền đang làm tốt, sẽ thay đổi góc nhìn, cảm xúc của DN”.
Trên cơ sở ý kiến của các DN, thời gian tới, các sở, ban, ngành sẽ thống nhất triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư có hiệu quả theo chỉ đạo UBND tỉnh. Phát huy hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ DN, trong đó Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tương tác với Hiệp hội DN và các DN để nắm bắt khó khăn, kịp thời phối hợp giải quyết; tăng cường đối thoại, gặp gỡ DN theo chuyên đề, 1 tháng/lần. Trong từng vấn đề, các sở, ngành và địa phương luôn đồng hành, chia sẻ, để giải quyết thấu đáo, tạo sự hài lòng cho DN. Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thái độ ứng xử và nâng cao trình độ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cho DN...
HẠNH CHÂU