Lắng nghe và hành động vì trẻ mồ côi

20/05/2022 - 07:37

 - Dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong số đó, nhiều trẻ phải chịu cảnh mồ côi. Thấu hiểu những mất mát của các em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Phú triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, tạo cầu nối, hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi, giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN huyện Châu Phú rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh, nhu cầu từng hộ có trẻ mồ côi do tác động của dịch COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời, phổ biến mục đích, ý nghĩa của chương trình “Mẹ đỡ đầu” đến cán bộ, hội viên, phụ nữ, kêu gọi các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú Nguyễn Xuân Nhã cho biết, các cấp hội khảo sát, thống kê, xác định trên địa bàn huyện Châu Phú có 62 trẻ mồ côi do tác động của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, một số trẻ theo người nhà đi làm ăn xa, không còn ở địa phương, một số trẻ được người thân chăm lo, còn lại 47 trẻ khó khăn cần được hỗ trợ. Từ kết quả rà soát, khảo sát, Hội LHPN huyện vận động tổ chức, cá nhân tự nguyện nhận đỡ đầu cho một số trẻ. Hội LHPN huyện, xã, thị trấn nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho các trẻ còn lại.

Đa số trẻ không may rơi vào cảnh mất cha, mẹ hoặc mất cả cha mẹ trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đều có gia cảnh rất khó khăn. Trường hợp của em Trần Thanh Thanh Nhi (sinh năm 2006, học sinh lớp 7) và em gái Trần Thanh Thanh Như (sinh năm 2016) là một trong số đó. Gia đình Nhi và Như thuộc diện khó khăn, cha mẹ làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, nhiễm COVID-19 rồi mất. Hiện, 2 em đang sống cùng gia đình chị gái tại ấp Bình Chơn (xã Bình Chánh), cuộc sống thiếu trước hụt sau. Thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận đỡ đầu 2 em đến năm 18 tuổi, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng.

“Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ các hoàn cảnh mồ côi

Bà Nguyễn Xuân Nhã cho biết, ngoài thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, thời gian qua, trẻ mồ côi cũng được các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ tiền, học bổng và quà, giúp các em vượt qua khó khăn, vơi bớt phần nào mất mát. Thời gian tới, các cấp hội tăng cường tuyên truyền xây dựng, nhân rộng mô hình “Trợ giúp trẻ em ở cộng đồng”, “Chúng tôi lắng nghe các em nói và hành động”, “Hỗ trợ can thiệp, giảm thiểu trẻ em lao động sớm”, “Đỡ đầu trẻ em khó khăn góp phần hạn chế tình trạng bỏ học”, “Hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện”. Đồng thời, giới thiệu, biểu dương, tri ân gương điển hình, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ chương trình “Mẹ đỡ đầu”, tham gia chăm sóc trẻ mồ côi.

Theo kế hoạch triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN huyện Châu Phú phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, nhà hảo tâm triển khai hoạt động hỗ trợ chăm sóc y tế, trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tư vấn sức khỏe, tâm lý, đảm bảo an toàn môi trường sống tại gia đình và cộng đồng. Song song đó, tạo điều kiện cho trẻ tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Đồng thời, hỗ trợ học phí, đồ dùng, trang thiết bị học tập; hỗ trợ tiền mặt hoặc các sản phẩm dinh dưỡng, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ....

Hàng năm, Hội LHPN huyện, xã, thị trấn phát động chương trình trao học bổng ngắn hạn, dài hạn cho học sinh mất cha, mẹ do tác động của dịch bệnh COVID-19 đến khi học hết chương trình THPT, cao đẳng, đại học. Kết nối hướng nghiệp, đào tạo nghề sau khi các em tốt nghiệp THCS; liên kết cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề truyền thống để dạy nghề, truyền nghề, hỗ trợ các em đến tuổi lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, để các em có thu nhập, ổn định cuộc sống.

MỸ LINH