Lập pháp phải vì cuộc sống

07/09/2023 - 06:56

 - Ngày 6/9, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết đã dược thông qua từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 5. Đây là hoạt động chưa có tiền lệ, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tăng cường gắn kết giữa công tác xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu “Lập pháp phải vì cuộc sống, phải dẫn dắt và kiến tạo sự phát triển”.

Khắc phục tình trạng “nợ” văn bản

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, hội nghị tập trung xem xét, đánh giá về 3 nội dung chính. Thứ nhất, quán triệt điểm mới, nội dung quan trọng, thống nhất yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Thứ hai, đánh giá kết quả tổ chức triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến trước kỳ họp thứ 5. Thứ ba, đề xuất giải pháp, kiến nghị để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cuối năm 2023 và năm 2024.

Trong đó, vấn đề được chú ý nhiều nhất là tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết. Tính đến ngày 23/8/2023, đối với luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, bộ chưa được ban hành (một số văn bản chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm). Một số văn bản vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp thực tiễn.

Nguyên nhân là do một số cơ quan chủ trì chưa thực sự chủ động, chưa trù liệu hết yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, chuyên gia. Nhiều văn bản nợ từ các kỳ báo cáo trước đó, có nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp thẩm quyền. Thậm chí, có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự hội nghị triển khai luật, nghị quyết

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thông tin: “Khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, như: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nhắc nhở bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong từng phiên họp Chính phủ thường kỳ về tiến độ, chất lượng ban hành văn bản quy định chi tiết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng thể chế, pháp luật; chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, hàng tháng báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ về tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thống kê dự án, dự thảo văn bản chậm tiến độ, không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa bảo đảm chất lượng, đề xuất biện pháp xử lý. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng nói trên phải kiểm điểm trách nhiệm trước Chính phủ”.

Đưa luật vào thực tiễn

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua 34 dự án luật, nghị quyết quy phạm. Theo đánh giá của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực, khi 8 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức pháp chế phát huy tốt hơn vai trò đầu mối, góp phần rút ngắn thời gian, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản thống nhất, đồng bộ, khả thi; ngôn ngữ, kỹ thuật diễn đạt dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn. Cùng với đó, kịp thời phát hiện, đề nghị xử lý nhiều văn bản trái pháp luật, tạo đồng tình trong xã hội, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước. Luật, pháp lệnh nhanh chóng vào cuộc sống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng hợp lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

“Sắp tới, 83 văn bản quy định chi tiết (11 văn bản nợ ban hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực; 72 văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết hoặc nội dung được giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới) được xây dựng, ban hành. Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần hướng tới mục tiêu chuyển đổi số, bảo đảm cung cấp kịp thời, thuận lợi tới người dân. Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng, thành viên hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong chỉ đạo, tổ chức triển khai luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành; đẩy mạnh truyền thông dự thảo chính sách đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết đang được Quốc hội xem xét, sắp được thông qua” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ngoài 4 luật, nghị quyết được các cơ quan kịp thời ban hành kế hoạch triển khai, 6 luật còn lại (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và 1/7/2024) đều chưa có kế hoạch. Kinh nghiệm cho thấy, đây là nội dung rất quan trọng, cần thiết để dự kiến công việc cần triển khai, nguồn lực thực hiện, phân công trách nhiệm, bảo đảm việc thi hành kịp thời, hiệu quả ngay từ thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực.

Đề nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; phát hiện, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định. Chú trọng đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp UBMTTQVN tỉnh lấy ý kiến dự thảo luật trong mọi tầng lớp nhân dân, cử tri, sở, ngành; giám sát bằng nhiều hình thức ở địa phương. Qua đó nhận thấy toàn tỉnh quan tâm xây dựng kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, điều chỉnh toàn diện đời sống kinh tế - xã hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp trao đổi, giám sát, tiếp xúc cử tri, tìm ra nội dung luật, nghị quyết chưa mang tính thiết thực cao, chưa thẩm thấu vào đời sống. Từ đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh, ban hành văn bản mới phù hợp thực tiễn.

GIA KHÁNH